Kết luận nêu rõ, thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTCP ngày 13/10/2022 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Tại thời điểm thanh tra, số lượng các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc đang hoạt động có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (3/41 thương nhân kinh doanh xăng dầu bị thu hồi giấy phép); 2 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu; 341 thương nhân phân phối xăng dầu (6/347 thương nhân phân phối bị thu hồi Giấy xác nhận); 18 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; 312 đại lý kinh doanh xăng dầu; 17449 cửa hàng bán lẻ xăng dầu,…
|
Ngày 04/01, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Ảnh minh họa: Báo Nhân dân |
Trong năm 2021, 2022, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên,… ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước.
Qua đó, một số cơ chế, chính sách liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã bộ lộ nhiều bất cập; công tác quản lý nhà nước về xăng dầu của một số bộ, ngành có một số hạn chế, tồn tại, vi phạm… dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, phát triển kinh tế,…
Nguyên nhân khách quan là do cơ chế, chính sách về kinh doanh xăng dầu còn một số bất cập, thị trường xăng dầu thế giới biến động mạnh, tăng, giảm bất thường, nguồn cung không ổn định do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến tranh, lạm phát tăng cao…
Nguyên nhân chủ quan là do các bộ, ngành có trách nhiệm quản lý nhà nước lĩnh vực kinh doanh xăng dầu còn chưa sâu sát, thiếu kiểm tra, giám sát trong quản lý, điều hành (giá cơ sở chưa bám sát sự biến động của thị trường, một số chi phí chưa điều chỉnh kịp thời…).
Bên cạnh đó, hệ thống kinh doanh xăng dầu phức tạp, nhiều bất cập, làm tăng các chi phí trung gian. Một số thương nhân đầu mối vi phạm pháp luật, chưa thực hiện hết nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhà nước. Thương nhân phân phối nhiều nhưng quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, năng lực còn thiếu.
Tuy nhiên chưa có biện pháp quản lý, xử lý hiệu quả cả về quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phâm xăng dầu Việt Nam; việc dự trữ xăng dầu quốc gia; việc cấp giấy phép và giấy xác nhận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG); về quản lý điều hành giá xăng dầu; việc dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc tối thiểu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường;…
Bên cạnh đó còn có một số vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu như: Việc sản xuất, nhập khẩu xăng dầu; việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao; việc thực hiện kinh doanh xăng dầu đầu mối; việc mua bán xăng dầu, xuất hóa đơn không tuân thủ chế độ kế toán và quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng,…
Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Trong đó nêu rõ: "Về kiểm tra, giám sát xử lý các vi phạm: Nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu xảy ra thường xuyên, trong nhiều năm nhưng Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, dẫn đến nhiều vi phạm chưa được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời".
Kiến nghị giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu 3 vụ việc
Trên cơ sở đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan, UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện các biện pháp xử lý về cơ chế, chính sách; về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm; xử lý kinh tế.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật với một số nội dung sau:
Một là, hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đổi với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ BOG tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức.
Hai là, Hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.
Ba là, hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Chuyển thông tin, tài liệu, kết luật thanh tra sang Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Thanh tra Chính phủ chuyển thông tin, tài liệu sang cơ quan điều tra, Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số nội dung được phát hiện trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu như sau:
Hành vi vi phạm pháp luật trong việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Hóa dầu Phước Khánh phát hiện thông của việc thu thập thông tin, tài liệu tại Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp như: UBND tỉnh Đồng Tháp đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp đầu tư xây dựng kho ngoại quan khi chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch kho ngoại quan; việc xác định giá trị tài sản (bồn chứa xăng dầu T10, T11, T12) để góp vốn thành lập Công ty cổ phần Hóa dầu Phước Khánh chưa theo tiêu chuẩn thẩm định giá, có nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước; việc góp vốn bằng tiền mặt sai quy định; Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp được hoàn lại vốn bằng tiền mặt với số tiền 18.900 triệu đồng, đay là khoản tiền chênh lệch giữa giá trị tài sản góp vốn và giá trị cổ phần, có khả năng tài sản nhà nước được bán ra chưa được thẩm định lại…
Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp mua xăng dầu của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phúc, hạch toán nhập kho, xuất kho không rõ ràng, thiếu hồ sơ hạch toán nhập, xuất, tồn kho.
Thanh tra Chính phủ cũng chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra.