Theo Chỉ thị, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2025 được xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường. Hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng liên kết mới, chiến tranh thương mại, phân tách chuỗi cung ứng, trừng phạt kinh tế, và cuộc chạy đua về khoa học công nghệ ngày càng gia tăng. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức.
Trong nước, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Thế và lực của đất nước sau gần 40 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn cả về quy mô và sức cạnh tranh; tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo; nhiều dự án trọng điểm quốc gia đưa vào khai thác; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; vị thế và uy tín của nước ta tiếp tục được nâng lên. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là việc hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.
|
hủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22/5/2024 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Ảnh minh họa: Chinhphu.vn
|
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
-
Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2025: Nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH; đặc biệt lưu ý những vấn đề như xung đột quân sự, chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng liên kết mới, tình hình lạm phát, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, biến động giá cả hàng hóa, xu hướng dịch chuyển dòng vốn, chuỗi cung ứng toàn cầu, các xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và các vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh mạng… tác động trực tiếp, nhiều mặt đến Việt Nam.
-
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025.
-
Chỉ tiêu chủ yếu và một số cân đối lớn: Tập trung cân đối các chỉ tiêu chủ yếu phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm dự báo khả năng thực hiện thành công Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030.
-
Các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu: Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất các định hướng, nhiệm vụ của năm 2025 bảo đảm thống nhất với mục tiêu chung, phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương. Các định hướng lớn gồm:
- Nắm chắc tình hình, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; điều hành đồng bộ, thống nhất các chính sách vĩ mô, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư, thương mại để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển đồng bộ các loại thị trường; xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
- Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ theo hướng hiện đại.
- Phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển, hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển.
Các mục tiêu, định hướng và giải pháp phải cụ thể về nội dung, thời gian, tiến độ thực hiện, hoàn thành, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, đồng thời phải được lượng hóa rõ ràng.
Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025:
- Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 tăng tối thiểu khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024 (không kể các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách), mức tăng trưởng tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn.
- Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.
- Số thu từ sắp xếp lại, xử lý tài sản công, cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, và khai thác quỹ đất, mặt nước phải được lập dự toán đầy đủ và nộp NSNN theo đúng quy định của pháp luật.
Dự toán chi NSNN năm 2025:
- Xây dựng dự toán chi đảm bảo các quy định của pháp luật; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách, gắn với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
- Đảm bảo nguồn lực để tiếp tục triển khai chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương và Quốc hội.
- Công khai, minh bạch và thực hành tiết kiệm chống lãng phí; xây dựng dự toán sát khả năng thực hiện, hạn chế tối đa việc hủy dự toán và chuyển nguồn sang năm sau.
- Chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi; chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.
- Sử dụng hiệu quả nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2025 phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án; đảm bảo tiến độ phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án theo đúng quy định.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần xây dựng dự toán thu, chi ngân sách địa phương sát với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH của quốc gia và địa phương năm 2025. Việc lập, xây dựng dự toán cần chú ý các nội dung chủ yếu sau:
- Xây dựng dự toán thu ngân sách trên địa bàn phải tích cực, sát thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản thu mới phát sinh.
- Xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương trên cơ sở nguồn thu được hưởng theo phân cấp, số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP xác định bằng số giao dự toán năm 2024 và số bổ sung từ NSTW cho NSĐP để thực hiện cải cách tiền lương năm 2025.
Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, 03 đột phá chiến lược, 06 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển KTXH và kế hoạch đầu tư công; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.