Tại nhiều ngã tư ở Thủ đô vào giờ cao điểm, không khó để bắt gặp tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành các quy định của Luật giao thông đường bộ, gây tình trạng ách tắc giao thông. 

Vào giờ cao điểm, ở nhiều ngã tư tại Hà Nội, vẫn có tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành các quy định của Luật giao thông đường bộ, vi phạm các lỗi thuộc về ý thức gây ra tình trạng ách tắc giao thông.

Để kịp thời giải quyết tình trạng trên, tạo ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho người tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục yêu cầu các đơn vị ra quân tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt người tham gia giao thông cố tình vi phạm.

Ghi nhận vào khung giờ từ 6 đến 8h30 sáng 5-12, tại “nút giao thông 4 tầng” Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông) cùng Thanh tra giao thông quận Thanh Xuân... đã tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông tuân thủ vạch kẻ đường.

 Đơn vị sử dụng hệ thống camera giám sát để theo dõi tình hình vi phạm tại các ngã tư.

Ngoài việc nhắc nhở tại chỗ, đơn vị cũng sử dụng hệ thống camera giám sát để theo dõi tình hình vi phạm tại các ngã tư rồi thông báo cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 cho biết, cùng với đó, các tổ công tác tăng cường cũng dùng ô tô đặc chủng để tuyên truyền lưu động trên đường, vận động người tham gia giao thông tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, vạch kẻ đường, yêu cầu chấp hành Luật giao thông đường bộ.

Hệ thống loa phóng thanh tại các ngã tư cũng phát đi những thông điệp hướng tới văn hoá giao thông. Trong ca công tác, tổ công tác đã lập biên bản 11 trường hợp không tuân thủ vạch kẻ đường và vượt đèn đỏ... chủ yếu là người điều khiển xe máy đang vội đến công sở, đến trường và đưa con đi học.

 Điển hình như trường hợp của chị N. (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) vi phạm lỗi điều khiển xe máy không tuân thủ vạch kẻ đường trình bày, do lo lắng đi làm muộn nên cố gắng "vượt lên" đi trên vỉa hè để tiết kiệm thời gian, thấy chỗ nào trống thì đỗ vào.

Thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông xác định sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền kế hợp xử lý để tạo thói quen chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân. 

Thói quen đi xe máy trên vỉa hè, len lỏi cố tình vượt đèn đỏ, lao lên phía trước, hoặc dừng đèn đỏ dưới bóng mát… kiểu “điền vào chỗ trống” từ lâu được đánh giá là vi phạm giao thông là nguyên nhân khiến giao thông hỗn loạn và gây phản cảm.

Phòng Cảnh sát giao thông xác định, thời gian tới sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền kết hợp xử lý để tạo thói quen chấp hành Luật giao thông đường bộ cho người dân.

Đối với việc xử lý vi phạm ngoài việc phát hiện trực tiếp sẽ tăng cường phạt nguội và tiếp nhận nguồn tin báo của người dân thông qua Zalo, ứng dụng iHanoi.

Ngoài việc xử phạt tại chỗ, Cảnh sát giao thông còn tăng cường áp dụng công nghệ để ghi nhận hình ảnh vi phạm, gửi thông báo phạt nguội. Đồng thời, đơn vị cũng khuyến khích người dân phát hiện vi phạm và gửi cho lực lượng chức năng thông qua Zalo, ứng dụng iHanoi.

Từ nay đến cuối năm 2024 và bước vào cao điểm trước, trong, sau Tết Ất Tỵ 2025, Phòng Cảnh sát giao thông kêu gọi, để xây dựng văn hóa giao thông không phải đâu xa mà bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, giản dị như hành động tôn trọng, nhường nhịn khi tham gia giao thông; đi đúng phần đường, làn đường; xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông.

Ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, điều dễ nhận thấy là giảm bớt ùn tắc, tai nạn giao thông. Cùng nhau ứng xử nhân văn hơn, văn hóa hơn, để xây dựng một xã hội văn minh, giao thông an toàn, thân thiện.

Minh Trí - Tuệ Minh