Tại Hội nghị Giao ban công tác quản lý nhà nước tháng 9/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra ngày 3/10  tại Hà Nội, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh quyết tâm tiếp tục xử lý tình trạng SIM rác và hạn chế lừa đảo trực tuyến.

Lừa đảo trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp. Trung bình mỗi tuần Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận khoảng 400 phản ánh của người dùng internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo, trong đó, nhiều hơn cả là các trường hợp giả mạo ngân hàng, trang thương mại điện tử, các cơ quan có thẩm quyền...

Các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn. Bộ Thông tin và Truyền thông đã vào cuộc quyết liệt với mục tiêu "làm sạch" thông tin thuê bao di động để hạn chế tình trạng tận dụng các SIM rác thực hiện các hành vi lừa đảo người tiêu dùng.... Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện tình trạng SIM rác được chào bán, bày bán tại nhiều nơi.

Để tăng cường công tác quản lý SIM rác, Thứ trưởng Phạm Đức Long yêu cầu Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông lập các tổ công tác để tiến hành rà soát nội dung này, trong đó, có việc dừng phân phối SIM qua đại lý. 

Thứ trưởng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền mạnh các doanh nghiệp còn bán SIM trên mạng, qua kênh đại lý, thông báo để Bộ có hình thức xử lý. 

 Tràn lan lừa đảo trực tuyến

Nhận định tình trạng lừa đảo trực tuyến vẫn gia tăng với nhiều loại hình liên tục thay đổi, tuy nhiên lại chưa được báo chí phản ánh tập trung, đầy đủ, Thứ trưởng Phạm Đức Long yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông tìm giải pháp tổng hợp tất cả các loại hình lừa đảo, cách thức phòng, chống lừa đảo, giúp người dân thuận tiện theo dõi và phòng tránh.

Để phòng, chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Phúc cho biết đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị trong Bộ cung cấp danh sách các số điện thoại thường xuyên giao dịch với người dân để triển khai gắn tên định danh (brandname) của Bộ.

Sau khi thực hiện việc gắn brandname cho các số điện thoại có giao dịch với người dân của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ sẽ công bố rộng rãi việc các cuộc gọi tới người dân xưng danh là Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng không hiện brandname là những cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, từ đó, sẽ giúp giảm bớt vấn nạn lừa đảo bằng cách gọi điện mạo danh Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị.

Thứ trưởng Phạm Đức Long yêu cầu Cục Viễn thông dự thảo văn bản đề nghị các bộ, ngành khác như công an, tòa án, ngân hàng... thực hiện việc gắn brandname cho các số điện thoại của cơ quan mình có liên hệ, giao dịch với người dân.

Thành Nam/ Theo TTXVN