Qua phân tích các trường hợp vi phạm đều cho thấy, người vi phạm đa số là lao động tự do, chỉ vì tâm lý “cả nể” đã sử dụng rượu bia quá chén. Trực tiếp làm nhiệm vụ, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Dương, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 3 (Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết, khi bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý vi phạm nồng độ cồn, các tài xế nêu rất nhiều lý do để biện bạch.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng ngoài giải thích, tuyên truyền cho người vi phạm hiểu, đồng thời cương quyết xử lý để răn đe, không tiếp tục tái phạm. Chỉ trong vòng 3 ngày, tại cùng một điểm, tổ công tác đã phát hiện các trường hợp vi phạm gấp đôi và gấp 2,5 lần mức kịch khung (0,4 miligram/lít khí thở).

Ghi nhận, trong ca trực vào đêm 6-8 tại nút giao Nguyễn Chí Thanh - Đường Láng, quận Đống Đa (Hà Nội), tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 3 đã xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, đa số đều là công nhân xây dựng vì “nể nang” ngồi uống bia, rượu với chủ nhà với ý nghĩa “giải đen” tháng 7 “cô hồn”. 

Lực lượng chức năng tiến hành xử phạt những trường hợp vi phạm nồng độ cồn  

 

Điển hình, vào khoảng 21h15 ngày 6-8, tổ công tác phát hiện tài xế N.T.Đ. (sinh năm 1983, ở huyện Ba Vì, Hà Nội) điều khiển xe máy mang biển kiểm soát 29V7 - 158.XX có biểu hiện đi không vững, né tránh tổ công tác nên yêu cầu dừng xe, kiểm tra. Qua kiểm tra, Cảnh sát giao thông phát hiện nam tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,984 miligram/lít khí thở.

Đây là mức vi phạm rất cao, gấp 2,5 lần mức cao nhất được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Trình bày với tổ công tác, anh N.T.Đ cho biết, bản thân làm công nhân xây dựng, vì gia chủ làm mâm cơm cúng “giải đen” tháng bảy âm lịch nên có mời uống vài cốc bia và nước ngọt để đỡ mệt. Do công trình đang thi công không được ngủ lại nên tôi phải đi xe máy về, không nghĩ rằng vi phạm.

Tương tự, 2 anh N.V.T (sinh năm 1981 ở Yên Bái) và anh V.T.B (sinh năm 1999 ở Hoà Bình) là công nhân ở công trình xây dựng trên Đường Láng chở nhau lán trọ bằng xe máy khi kiểm tra cũng phát hiện vi phạm ở mức 0,354 miligram/lít khí thở.

Trình bày với tổ công tác, 2 anh cho biết, cũng vì chủ công trình mời uống bia rượu nên trót vi phạm. Hiện tại với thu nhập 300.000 đồng/ ngày không đủ nộp phạt, các anh sẽ vay tiền chủ nhà, cuối tháng cùng trừ vào lương để ghi nhớ lần sau không tái phạm.

Truờng hợp gọi điện nhờ can thiệp  

Cũng trong ca trực, tổ công tác yêu cầu dừng xe máy mang biển kiểm soát 29Y1 - 251.XX do anh Đ.M.H (sinh năm 1981 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) điều khiển để kiểm tra nồng độ cồn. Nam tài xế này liên tục xin, cũng đồng thời còn nói “ý tứ” là nhà báo với Cảnh sát giao thông để không kiểm tra và gọi điện thoại nhờ người thân can thiệp. 

Tuy nhiên, tổ công tác cương quyết yêu cầu nam tài xế chấp hành, kết quả đo nồng độ cồn vi phạm 0,156 miligam/lít khí thở.

Kiểm tra nồng độ cồn tại các chốt giao thông  

Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm với tài xế H. và tạm giữ phương tiện cùng giấy tờ liên quan. Hình ảnh này khác hẳn với ông V.Đ.T (sinh năm 1969 ở quận Đống Đa, Hà Nội), sau khi bị giữ xe vì vi phạm nồng độ cồn đã rất “gương mẫu” gọi điện thoại cho con trai ra chốt đón về. 

Cũng tại chốt trực Đường Láng - Nguyễn Chí Thanh vào tối ngày 5-8 (trước thời điểm ghi nhận 1 ngày) cũng đã xử lý 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức kịch khung là anh N.V.H (sinh năm 1983 ở Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) điều khiển xe máy biển kiểm soát 29 - 734 XC.

Thời điểm kiểm tra anh N.V.H vi phạm mức 0,81 miligram/lít khí thở.

Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, trong thời gian tới các đơn vị tiếp tục duy trì việc kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn vào khung giờ ban đêm để phát hiện sớm các trường hợp vi phạm nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông. Không vì tâm lý uống “giải đen” trong “tháng cô hồn” để vi phạm mức độ cao như trong những ngày qua.

Hazel