Sàn nhị phân lừa đảo, nhà đầu tư khóc ròng

Hiện nay, hàng ngàn nhà đầu tư của sàn NASDAQ68 đang tỏ ra rất bất bình vì hành vi có dấu hiệu lừa đảo của nhóm đối tượng đứng sau sàn này. Một số nạn nhân đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an.

Tại website: https://nasdaq68.com/NASDAQ68/public/ có giao diện tương đối sơ sài. Sàn này quảng cáo chương trình khuyến mại khi nạp tiền từ 6 triệu đến 100 triệu đồng sẽ được thưởng từ 1 triệu đến 10 triệu đồng.

NASDAQ68 cũng cam kết thời gian rút tiền tất cả các ngày trong tuần vào mọi khung giờ. Nhưng người chơi nếu muốn rút tiền phải mất phí.

Theo phản ánh của nhà đầu tư, cách chơi trên sàn NASDAQ68 tương tự như những sàn BO (chọn quyền nhị phân) khác đó là đặt lệnh tăng, giảm trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu đoán đúng nhà đầu tư sẽ có thêm tiền, nếu đoán sai sẽ bị trừ tiền.

Anh N.V.D (Hà Nội) cho biết, tháng trước anh được một người tên là Hoàng Anh tự giới thiệu là chuyên gia tài chính của sàn NASDAQ68.

Người này hỏi anh có muốn kiếm tiền mùa dịch hay không? Đồng thời giới thiệu về sàn NASDAQ68.

“Họ nói đây là sàn giao dịch chứng khoán uy tín của Mỹ. Lãi suất cam kết có thể lên 50%/ tháng. Sau đó họ dụ dỗ tôi mở tài khoản chơi thử. Tôi nạp khoảng 20 triệu đồng để tham gia nhưng đánh cháy lệnh trong vòng 1 ngày.

Thấy thế Hoàng Anh nói rằng tôi có thể nạp thêm tiền để nhờ chuyên gia của sàn đặt lệnh hộ. Họ mời tôi tham gia vào một cộng đồng trên telegram có khoảng 3000 người.

Ở đó vào những khung giờ nhất định, chuyên gia tài chính sẽ gửi lệnh và mọi người đặt lệnh theo. Tuy nhiên kể cả có thắng thì chúng tôi cũng không rút được tiền.

Chính vì thế tôi cho rằng đây là sàn lửa đảo, mọc ra nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư”, anh D kể lại.

 Sàn NASDAQ68 chỉ nạp nhưng không cho nhà đầu tư rút khiến nhiều người mất trắng tiền

Một nhà đầu tư khác chia sẻ, ban đầu người của sàn NASDAQ68 sẽ tiếp cận và dụ dỗ người chơi bỏ một khoản tiền nhỏ (1 triệu đồng) để tham gia.

Sau khi nhà đầu tư thấy có lãi, họ sẽ tư vấn các gói chuyên đề có giá trị từ 6 triệu đồng đến 100 triệu đồng và quảng cáo lãi suất khủng, bảo toàn vốn.

Hoặc sẽ có chuyên gia đọc lệnh của sàn giúp người tham gia đặt lệnh sao cho tỷ lệ thắng cao nhất.

Nhóm mình bị một người tên Lan xưng là chuyên gia tài chính sàn NASDAQ68 lừa mất hơn 1 tỷ đồng.

Người này huy động mọi người tham gia BO và hứa hẹn sẽ cho vay vốn nếu ai không có tiền.

Nhiều người chơi thắng thì bạn Lan này nói phải mất phí để rút tiền. Vài ngày gần đây thì Lan đóng đội nhóm. Số tiền của bọn mình coi như mất trắng”, một nhà đầu tư khác cho biết.

Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Một nạn nhân của sàn NASDAQ68 kể lại: “Tôi nạp vào sàn này gần 2 tỷ đồng như họ đánh cháy hết và không cho rút tiền. Khi tôi liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng hoặc các chuyên gia đọc lệnh thì họ đuổi chúng tôi ra khỏi nhóm zalo hoặc telegram.

Hoặc những ai muốn rút tiền về thì họ nói rằng phải nạp một khoản phí thì mới cho rút tiền.

Chẳng hạn tôi đã mất vào sàn này khoảng 500 triệu đồng khi tham gia gói chuyên đề. Nhưng khi muốn rút tiền thì họ lại không cho rút.

Hoặc nếu muốn rút vốn về thì phải mất khoảng 100 triệu đồng. Tôi nạp thêm 100 triệu đồng họ xóa tôi khỏi nhóm, chặn liên lạc, zalo, tài khoản mạng xã hội”.

Trước thực trạng ngày càng có nhiều người sập bẫy các sàn nhị phân, Forex; Tiến sĩ Trần Văn Biên, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phân tích, đối chiếu với quy định của pháp luật dân sự hiện hành thì tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hoá.

Bởi lẽ, Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Với quy định trên, tiền ảo không được coi là tài sản vì nó không thuộc bất kỳ loại nào trong các loại nêu trên.

 NASDAQ68 là một sàn nhị phân (BO) hoạt động trái quy định pháp luật

Tiến sĩ Trần Văn Biên cho rằng việc chưa có quy định nào của pháp luật dân sự khẳng định tiền ảo là một loại tài sản dẫn đến những hệ quả tiếp theo là các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại liên quan đến tiền ảo đều không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp.

Ví dụ, khi ví điện tử của một chủ thể bị xâm nhập và bị ăn trộm một số lượng tiền ảo nhất định thì có đòi lại được không? Khi các bên mua bán tiền ảo không thực hiện nghĩa vụ giao tài sản thì áp dụng trách nhiệm dân sự gì? Các cá nhân chuyển tiền cho nhau thì làm sao để phát hiện đâu là giao dịch hợp pháp, đâu là giao dịch bất hợp pháp?

“Việt Nam cần có một định nghĩa rõ ràng, cụ thể về tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam, từ đó, làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, cũng cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới trong Bộ luật Dân sự.

Khái niệm về tài sản tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần có sự sửa đổi theo hướng bổ sung thêm các loại tài sản khác do pháp luật quy định.

Khung pháp lý hợp lý, toàn diện dựa trên nền tảng xác định tiền ảo là một loại tài sản sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý tốt hơn, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi trái pháp luật trong sử dụng tiền ảo.

Việc xác định được tình trạng pháp lý của tiền ảo sẽ là cơ sở vững chắc, tạo nền móng cho quá trình xây dựng các quy định về các vấn đề khác có liên quan, như quản lý hoạt động ICO (phương thức huy động tiền điện tử), sàn giao dịch, thuế đối với tiền ảo...”, Tiến sĩ Trần Văn Biên chia sẻ.

Thành Nam