Như tin đã đưa, trong vài năm qua, cộng đồng tiền ảo tại Việt Nam sử dụng một đồng Stable Coin là VNDC để quy đổi và giao dịch. 

Trên một số trang web giới thiệu, stable coin VNDC được phát triển bởi công ty VNDC Holding PTE. LTD là đồng tiền mã hóa được phát triển dành riêng cho cộng đồng Trader Việt Nam với vai trò sáng lập là của CEO Trần Quang Chiến.

Công ty VNDC Holding PTE. LTD đặt trụ sở và đăng ký tại Singapore.

 Nhà đầu tư có thể rút tiền và quy đổi VNDC thành VND qua sàn ONUS

Hiện nay, giá trị của 1 đồng VNDC được tự xác định tương đương 1 đồng Việt Nam (VND), cho nên cộng đồng tiền điện tử rất ưa chuộng VNDC và sử dụng stable coin này để thực hiện các giao dịch hoặc trao đổi hàng hóa, mua sắm...

Tuy nhiên, khi đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành, sự tồn taị của đồng tiền này tại Việt Nam là chưa hợp pháp.

Căn cứ điều 7 Quy chế hoạt động thanh toán trong nước qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các phương tiện thanh toán trong hoạt động thanh toán trong nước gồm tiền mặt, séc, uỷ nhiệm chi hoặc lệnh chi; uỷ nhiệm thu hoặc nhờ thu và các phương tiện thanh toán khác như thẻ ngân hàng, hối phiếu, lệnh phiếu... theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra cảnh báo các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng các loại tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. 

Đồng thời, cảnh báo, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần thận trọng và không nên đầu tư, nắm giữ, tham gia thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo.

Việc sử dụng các đồng tiền ảo như VNDC làm phương tiện thanh toán hay làm các chức năng như đồng tiền tại Việt Nam hiện nay là vi phạm pháp luật.

Đồng thời việc sử dụng tiền ảo trong các giao dịch còn tiểm ẩn nguy cơ rửa tiền, vi phạm pháp luật.

 Đồng VNDC là phương tiện thanh toán bất hợp pháp

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) - với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số đã tạo ra bước phát triển kinh tế, xã hội và giúp thay đổi nhiều thói quen trong cuộc sống như việc sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng. 

Qua đó, đem lại lợi ích to lớn cho xã hội, nhưng cũng tiềm ẩn những hành vi phạm tội, nhất là tội phạm rửa tiền ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.

Do lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu, tiền ảo là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền, vì qua đó có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - nêu quan điểm, hiện các giao dịch tiền mã hóa đang xảy ra hằng ngày, trong đó tiềm ẩn những nguy cơ tội phạm.

"Tiền mã hoá được sử dụng để thanh toán song không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này. 

Việt Nam chưa công nhận tiền mã hoá song trên thực tế vẫn diễn ra các giao dịch, vậy phòng chống rửa tiền thế nào? 

Cần kiến nghị các cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện quy định pháp luật nào để hạn chế ngăn chặn được hành vi phạm tội?" - ông Nguyễn Quốc Hùng đặt vấn đề.

Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì làm việc, trao đổi thống nhất với Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan để xác định cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới gắn với cơ quan chủ trì và thời gian thực hiện cụ thể. 

Từ đó hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hoá, tiền mã hoá.

Quảng Dương