Viện trưởng Viện VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết như trên khi trình bày Báo cáo tóm tắt công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/11.

Theo Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến, năm 2024, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 165.377 nguồn tin về tội phạm (đạt 100%). Ban hành 120.523 văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm; trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.877 cuộc tại Cơ quan điều tra; yêu cầu khởi tố 961 vụ án (tăng 21,6%); yêu cầu hủy bỏ 20 quyết định khởi tố vụ án (tăng 66,7%) do chưa bảo đảm căn cứ pháp luật; trực tiếp ra 21 quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 142.946 vụ/231.614 bị can (tăng 6,3% số vụ và 10,7% số bị can); kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; ban hành 102.584 bản yêu cầu điều tra (tăng 3,5%). 

Không phê chuẩn 521 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; quyết định hủy 494 quyết định tạm giữ; hủy 24 quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Số vụ án truy tố đúng thời hạn đạt 100% (vượt 10%) và số bị can truy tố đúng tội danh đạt 99,9% (vượt 4,9%).

Công tác của Cơ quan điều tra VKSND tối cao tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội: Tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong hoạt động tư pháp đạt 92,4% (vượt 22,4%); tỷ lệ điều tra khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100% (vượt 10%); tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 89,2% (tăng 4,5% và vượt 29,2%).

Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát luôn nỗ lực thực hiện đúng yêu cầu mà các nghị quyết của Quốc hội đặt ra. Tuy nhiên, còn có chỉ tiêu công tác chưa đạt theo yêu cầu của Quốc hội, như: tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm các vụ, việc dân sự; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra VKSND tối cao; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ. Ngành Kiểm sát tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục tồn tại, hạn chế này.

 Ảnh minh họa

Để bảo đảm điều kiện, cơ chế cho Ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội giao trong thời gian tới, VKSND tối cao kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao bổ sung chức danh Kiểm sát viên các ngạch tạo điều kiện thuận lợi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn Kiểm sát viên sơ cấp thực hiện nhiệm vụ) trong chỉ tiêu biên chế đã được giao.

Bởi hiện nay, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số lượng các vụ án, vụ việc tội phạm và vi phạm pháp luật tăng nhanh so với trước đây với nhiều tội phạm mới có tính chất phức tạp hơn. 

Bên cạnh đó, ngành KSND thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ mới theo quy định của luật, khối lượng công việc tăng lên nhiều; cùng với đó yêu cầu về pháp luật và kỷ luật ngày càng cao nên Ngành phải đối mặt với nhiều áp lực trong tình trạng thiếu biên chế, thiếu chức danh tư pháp (Kiểm sát viên các cấp) là chức danh bắt buộc phải có để thực hiện nhiệm vụ. 

Các bộ, ban ngành nghiên cứu, tổng hợp các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến các loại tội phạm gia tăng, diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để phát hiện khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước trong mọi lĩnh vực; công tác giám định và định giá tài sản còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu trong đấu tranh giải quyết các vụ án hình sự. 

Từ đó, xây dựng Chương trình tổng thể về phòng ngừa, đấu tranh tội phạm cho các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp thực hiện tăng cường hợp tác quốc tế để phối hợp áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm công nghệ cao nói riêng.

Quảng Dương