Như tin đã đưa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ra Quyết định bổ nhiệm PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông giữ chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi.

Hiệu lực bổ nhiệm ông Lê Phước Minh từ ngày 1/3/2024 theo Quyết định số 111/QĐ-KHXH của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – TS. Phan Chí Hiếu.

PGS.TS Lê Phước Minh. (Ảnh: vass.gov.vn) 

Quyết định bổ nhiệm nêu rõ: “Bổ nhiệm ông Lê Phước Minh, PGS.TS, Giảng viên cao cấp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông giữ chức vụ Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định”.

Được biết, PGS.TS Lê Phước Minh sinh ngày 6/4/1963. Nếu xét theo độ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì đến ngày 1/5/2024, ông Minh sẽ chính thức nhận quyết định nghỉ hưu.

Dù vậy, việc ông Minh sắp nghỉ hưu nhưng lại được bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng tại Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi khiến gây tranh luận, có những luồng ý kiến trái chiều.

Phản hồi về Tòa soạn, độc giả Thai Huu nêu:Những người làm nghiên cứu, khoa học không phải về hưu như công chức bình thường”.

Còn bạn đọc Nguyễn Văn Hường thì cho rằng: “Vẫn có trường hợp bổ nhiệm theo hình thức kéo dài cho đến khi đủ tuổi hưu (tính bằng tháng)”.

Tuy nhiên nhiều độc giả khác thì lại cho rằng: “Nếu còn đương chức thì sẽ kéo dài đến khi nghỉ hưu, nhưng bổ nhiệm lần đầu thì quá sai”. Và, dù thế nào, được bổ nhiệm khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa thì nghỉ hưu không khỏi khiến người ta ngờ vực. Chưa kể, về tổ chức nhà nước, không ai lại đi làm cái việc "buồn cười như thế".

Có người thì đề nghị các cơ quan hữu quan vào cuộc xem xét lại việc bổ nhiệm có đúng không? Kỷ cương phép nước có được tôn trọng không?...

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này dưới các góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan trực thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề về khoa học xã hội. 

 Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội).

Viện nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi là tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động 2019 được hướng dẫn bởi Nghị định 135/2020/NĐ – CP quy định về tuồi nghỉ hữu như sau: Độ tuổi nghỉ hưu của Giáo sư, Phó giáo sư trong điều kiện lao động bình thường đối với Nam nghỉ hưu vào năm 2024 là 61 tuổi.

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 50/2022/NĐ-CP về nguyên tắc thực hiện việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn như sau:“Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu”.

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, đối với viên chức có học hàm là Giáo sư, Phó giáo sư thì được kéo dài thời gian nghỉ hưu là tối đa là 05 năm tính từ thời điểm Giáo sư, Phó giáo sư đó đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. 

Ngoài ra, trong thời gian nghỉ hưu ở tuổi cao hơn quy định, viên chức nêu trên chỉ được làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lýkhông được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có Quyết định số 1587/QĐ-KHXH ngày 22/11/2023 Phê duyệt Đề án Hợp nhất Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á và Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông thành Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Phi và Châu Phi.

Đồng thời ra Quyết định bổ nhiệm PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông giữ chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi.

"Từ những thông tin trên cho thấy, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi được hợp nhất từ Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á và Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông. Do đó, Nếu ông Lê Phước Minh đang là lãnh đạo của một trong các Viện Nghiên cứu được hợp nhất thì việc bổ nhiệm là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật" - Luật sư Tùng phân tích. 

"Nếu ông Lê Phước Minh không giữ chức vụ của một trong các chức vụ lãnh đạo của một trong các Viện hợp nhất trên, không đủ nhiệm kỳ 05 năm để bổ nhiệm mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bổ nhiệm ông Minh làm Viện trưởng là không đúng quy định của pháp luật" - Luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.

 

 

Còn theo Luật sư Đỗ Khắc Hiệp - Công ty luật Hợp danh Chấn Hưng (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: Theo quy định, ông Lê Phước Minh là viên chức và việc bổ nhiệm ông Minh thuộc trường hợp hợp nhất các đơn vị sự nghiệp lập. Việc bổ nhiệm viên chức này chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ và Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.

Tại điểm a khoản 1 Điều 47 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP có cho phép cấp có thẩm quyền (ở đây là cơ quan chủ quản, tức Viện Hàn lâm) được xem xét quyết định chuyển đổi chức vụ theo vị trí việc làm mới tương ứng. 

Tuy nhiên, quy định này đã được sửa đổi tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP như sau: “a) Trường hợp hợp nhất… cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm mà không phải thực hiện quy trình bổ nhiệm; thời hạn bổ nhiệm tính theo quyết định bổ nhiệm cũ”. Điều đó được hiểu là: Viện Hàn lâm có thẩm quyền bổ nhiệm viên chức mà không phải thực hiện quy trình bổ nhiệm và thời hạn bổ nhiệm viên chức giữ chức vụ quản lý "tính theo quyết định bổ nhiệm cũ" (quyết định bổ nhiệm viên chức ở Viện cũ trước khi hợp nhất). 

"Trường hợp ông Lê Phước Minh sinh ngày 06/4/1963, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP thì thời điểm hưởng lương hưu tính từ tháng 5/2024. Tuy nhiên, Điều 3 Nghị định số 50/2022/NĐ-CP ngày 02/8/2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập thì PGS. TS. Lê Phước Minh được nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, không quá 5 năm từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu nếu PGS Minh có nguyện vọng, có đủ sức khỏe, cơ quan có nhu cầu..." - Luật sư Hiệp phân tích.

Trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, viên chức chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn nhưng không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo

Luật sư Đỗ Khắc Hiệp phân tích thêm: Nghị định số 50/2022/NĐ-CP cũng quy định “viên chức đáp ứng các điều kiện quy định, có đơn đề ghị được kéo dài thời gian công tác, gửi cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý quyết định kéo dài trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 06 tháng… quyết định kéo dài thời gian công tác của viên chức được gửi cho tổ chức, cá nhân liên quan trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 03 tháng”. 

Trường hợp viên chức không có nguyện vọng làm việc chuyên môn ở tuổi cao hơn thì cơ quan chủ quản phải làm thủ tục nghỉ hưu. 

Trước 06 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều 59 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, cơ quan, đơn vị quản lý viên chức phải ra thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu để viên chức biết và chuẩn bị người thay thế. 

Trước 03 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều  59 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, cơ quan, đơn vị quản lý viên chức phải ra quyết định nghỉ hưu;

Việc Viện Hàn lâm bổ nhiệm PGS.TS. Lê Phước Minh giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi khi ông này chỉ còn hơn 1 tháng làm việc thì đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, đang trong thời gian kéo dài chức vụ quản lý kể từ khi ông hết nhiệm kỳ giữ chức Viện trưởng vào tháng 11/2022 theo Quyết định số 1939/QĐ-KHXH ngày 09/11/2017 thì không phù hợp với quy định hiện hành bởi vì thiếu căn cứ tính thời hạn bổ nhiệm, tức thiếu căn cứ để ra quyết định cho vị trí, chức vụ Viện trưởng này. 

Chủ tịch Phan Chí Hiếu và Phó Chủ tịch Tạ Minh Tuấn trao Quyết định và tặng hoa cho
lãnh đạo Viện Nam Á, Tây Á và Châu Phi tại buổi Lễ. Ảnh: vass.gov.vn 

"Nghị định số 85/2023/NĐ-CP không cho phép chuyển đổi chức vụ theo vị trí việc làm một cách máy móc, cơ học như trước nữa. Nghị định số 85/2023/NĐ-CP vừa tạo điều kiện cho cơ quan chủ quản có quyền quyết định việc bổ nhiệm viên chức mà không cần làm quy trình nhưng mặt khác cũng xác định việc bổ nhiệm phải đảm bảo thống nhất, có căn cứ pháp lý chặt chẽ. Để việc bổ nhiệm viên chức phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định" - Luật sư Đỗ Khắc Hiệp nhấn mạnh.

Luật sư Đỗ Khắc Hiệp nhận định: "Đúng ra tại thời điểm này ông Lê Phước Minh đã hoặc đang được giải quyết thủ tục nghỉ hưu hoặc kéo dài thời gian công tác, chuẩn bị bàn giao công tác theo quy định vì không thuộc trường hợp được bổ nhiệm khi hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập, không còn quy định chuyển đổi chức vụ theo vị trí việc làm như trước đây. 

Việc bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu đối với ông Lê Phước Minh là quyết định không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành".

Ngày 07/12/2023 Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Tại Điều 47 của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung căn bản, thay đổi về bản chất một số nội dung quy định.

 Cụ thể là, khoản a Điều 47 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định cho phép chuyển đổi chức vụ theo vị trí việc làm mới tương ứng khi hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập. 

Nhưng đến Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, khoản a Điều 47 đã được sửa đổi, bổ sung chi tiết hơn, trong đó điều đáng lưu ý là: bãi bỏ việc chuyển đổi chức vụ theo vị trí việc làm mới tương ứng khi hợp nhất, thay thế vào đó là quy định về việc bổ nhiệm (xác định rõ, cụ thể hơn về thẩm quyền quyết định; không phải thực hiện quy trình); căn cứ tính thời hạn bổ nhiệm - căn cứ để ra quyết định bổ nhiệm. 

Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ: “Trước 03 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Điều 9 Nghị định này, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức phải ra quyết định nghỉ hưu theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này”. 

 

* Để làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tạp chí Việt – Mỹ sẽ tiếp tục xin ý kiến từ Bộ Nội vụ và thông tin diễn biến sự việc tới quý độc giả.

Minh Trí