Là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, thành phố đã và đang nỗ lực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, nước thải công nghiệp của thành phố đã được xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay, nhà máy xử lý nước thải mới xử lý được 20% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị. Thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng thêm một số nhà máy xử lý nước thải ở một số khu vực khác.
Đối với nước thải công nghiệp, thành phố đã xây dựng hai nhà máy xử lý nước thải công nghiệp ở các Khu công nghiệp Trà Nóc và Thốt Nốt. Chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp được thu gom xử lý theo đúng quy định hiện hành.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ nêu những nội dung mong muốn USAID hợp tác.
Năm 2018, thành phố đã xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công suất 400 tấn/ngày, đêm. Thời gian tới, để đảm bảo thu gom xử lý rác thải sinh hoạt ở 9 quận, huyện, thành phố đang hoàn thiện tiêu chí để kêu gọi nhà đầu tư xây dựng thêm nhà máy thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt với công suất 800 tấn/ngày đêm.
Trong tương lai, Cần Thơ mong muốn thu gom, xử lý triệt để nước thải sinh hoạt đô thị và nước thải công nghiệp. Tuy nhiên, thành phố gặp khó khăn về tài chính, công nghệ, nhân lực. Đại diện lãnh đạo thành phố Cần Thơ mong muốn, sau buổi làm việc, hai bên sẽ có được sự hợp tác trong việc xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và nước thải công nghiệp.
Bà Aler Grubbs - Giám đốc USAID cho biết sẽ hợp tác với Cần Thơ trong xử lý rác thải y tế và giảm rác thải nhựa.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ quan tâm hợp tác trong một số vấn đề như: Phân loại chất thải rắn sinh hoạt; triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp; hợp tác để triển khai các mô hình về tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa, nghiên cứu khoa học về xử lý rác thải nhựa; hỗ trợ thực hiện các dự án về truyền thông nhằm tăng cường năng lực các bên liên quan của địa phương trong phòng, chống rác thải nhựa; quan tâm triển khai các mô hình sản xuất công nghiệp giảm phát thải khí nhà kính.
Theo bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, tổ chức này có một số chương trình, dự án ưu tiên thực hiện tại Việt Nam, trong đó tập trung vào các nội dung: Khắc phục hậu quả chiến tranh (hỗ trợ người khuyết tật, xử lý chất độc da cam tại sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa); giảm thiểu tác động của dịch bệnh (lao, AIDS/HIV, COVID-19, an ninh y tế toàn cầu, ngăn chặn các bệnh từ đồng vật có nguy cơ lây nhiễm sang người); hợp tác giáo dục đại học; tăng trưởng kinh tế (nâng cao năng lực cho khu vực tư nhân...). Đặc biệt, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ quan tâm hợp tác thực hiện các dự án, chương trình liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu, chống buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã.
Trong số các chương trình trên, khu vực Mekong được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ ưu tiên một số lĩnh vực như: Biến đổi khí hậu, y tế công cộng và giáo dục đại học. Đối với Cần Thơ, USAID sẽ ưu tiên hợp tác về giảm thiểu chất thải, rác thải y tế trong Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ; giảm biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Hè cam kết thời gian tới, UBND thành phố Cần Thơ sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thực hiện 2 dự án về giảm sử dụng và tái chế rác thải nhựa; giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nhằm giúp Cần Thơ ứng phó với biến đổi khí hậu. Thành phố Cần Thơ mong muốn đẩy nhanh tiến độ hợp tác hai dự án, sau đó tìm hiểu, triển khai thêm các dự án mới.