Cách đây hơn 50 năm, bệnh viện Bạch Mai là nơi từng bị pháo đài bay B52 của Mỹ ném bom hủy diệt, gây đau thương thì nay lại đang đầu mối quan trọng trong hợp tác y tế Việt - Mỹ - một trong những trụ cột của quan hệ hợp tác hai nước.  Tạp chí Việt - Mỹ đã có buổi trò chuyện cùng Phó Giáo sư, bác sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về vai trò và ý nghĩa của những hợp tác quan trong này.

 

leftcenterrightdel
Phó Giáo sư, bác sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

 

Hợp tác y tế đang là một trong những lĩnh vực hàng đầu trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và bệnh viện Bạch Mai là một trong những điểm sáng trong bức tranh hợp tác đó. Xin ông chia sẻ những nét nổi bật trong việc hợp tác giữa bệnh viện Bạch Mai và các đối tác của Mỹ? 

Phó giáo sư, Bác sĩ Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Đó là câu hỏi khó trả lời đầy đủ vì tôi cho rằng có quá nhiều dự án và thành tựu đạt được trong chuỗi dài quan hệ hợp tác giữa Bệnh viện Bạch Mai và các đối tác Mỹ.

Trong nhiều năm qua, y tế Việt Nam nói chung và Bệnh viện Bạch Mai nói riêng luôn nhận được sự quan tâm và ủng hộ của Hoa Kỳ khi trở thành đầu mối của nhiều dự án hợp tác y tế giữa hai nước. Đầu tiên phải kể đến Dự án Nâng cao năng lực và cung cấp dịch vụ phòng chống HIV được triển khai từ năm 2009. Đến tháng 11/2021, Bệnh viện tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của CDC Hoa Kỳ thông qua việc tổ chức khai trương phòng khám ngoại trú HIV mới thuộc Trung tâm Bệnh nhiệt đới với sự chứng kiến của ngài Eric Dziuban - Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam. Thông qua dự án, Bệnh viện Bạch Mai trở thành Trung tâm hàng đầu về phòng chống HIV tại Việt Nam với tỷ lệ đạt ức chế tải lượng virus cao trong cả nước (99%).

 

leftcenterrightdel
Lễ khởi động chương trình lắp đặt hệ thống ôxy lỏng do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho Việt Nam đã diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai

 

Bên cạnh đó, phải kể đến sự hợp tác trong các hoạt động như: Nâng cao năng lực xét nghiệm thông qua hỗ trợ về trang thiết bị thiết yếu, hệ thống quản lý chất lượng ISO; Xây dựng năng lực quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn; Hỗ trợ thiết lập hệ thống giám sát quốc gia về kháng kháng sinh; Hợp tác nghiên cứu dịch tễ liên quan đến giảm số lượng bệnh nhân mắc COVID-19. Đặc biệt, trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19, tháng 11/2021, Bệnh viện Bạch Mai đã được tiếp nhận 01 máy giải trình tự Gen từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ do bà Mariage D'amour - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ trao tặng.

Gần đây nhất, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã được Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ xây dựng hệ thống oxy lỏng, góp phần cải thiện, nâng cao năng lực chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Hệ thống ô-xy lỏng tại Bệnh viện Bạch Mai là hệ thống lớn nhất trong số 13 hệ thống tương tự do USAID tài trợ và được lắp đặt tại các cơ sở y tế trên cả nước nhằm hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 nặng và điều trị bệnh nhân khác khi có nhu cầu về ô xy.

 

leftcenterrightdel
Bệnh viện Bạch Mai đón tiếp bà Andrea Palm, Thứ trưởng Bộ Y tế Hoa Kỳ đến thăm và làm việc với bệnh viện

 

Những hợp tác này còn được cụ thể hóa qua các chuyến thăm, gặp gỡ và làm việc của các lãnh đạo lớn từ Mỹ tới bệnh viện như Thứ trưởng Bộ Y tế Hoa Kỳ - Andrea Palm, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman,  Giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) Rochelle Paula Walensky... với những biên bản ghi nhớ hợp tác quan trọng, trong đó phải kể tới là lĩnh vực hợp tác nguồn nhân lực chất lượng cao cho Bệnh viện Bạch Mai.

Hằng năm, Bệnh viện Bạch Mai có sự hợp tác và đón tiếp các giáo sư là những chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Mayo Clinic và Trường Đại học Y Colorado (Hoa Kỳ). Đây là 2 cơ sở nổi tiếng trên thế giới về các lĩnh vực y khoa trong đó có nhi khoa, ung thư, tim mạch. Đến nay, hai đơn vị này đã kết nối đồng hành cùng nhau 13 năm với nhiều trao đổi trong chuyên môn. Hai bên cử các đoàn bác sĩ sang Việt Nam và ngược lại, để chia sẻ, xây dựng các quy trình chuyên môn trong nhiều lĩnh vực y tế. Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai cũng có hợp tác với hơn 20 các đơn vị, tổ chức, trường đại học của Mỹ trong nhiều lĩnh vực y tế.

Các hoạt động ngoại giao nhân dân Việt - Mỹ đang đóng vai trò như thế nào trong các hợp tác của bệnh viện Bạch Mai với các đối tác Mỹ, thưa ông?

Phó giáo sư, Bác sĩ Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Bên cạnh những hợp tác chính thức trên phương diện ngoại giao nhà nước thì Bệnh viện Bạch Mai còn có những hợp tác vô cùng đặc biệt khác xuất phát từ ngoại giao nhân dân. Gọi là đặc biệt bởi nó chứa đựng nhiều câu chuyện ý nghĩa và xuất phát từ chính lợi ích của người dân hai nước.

 

leftcenterrightdel
Giáo sư Bartecchi dẫn đoàn chuyên gia đến từ Bệnh viện Mayo Clinic, Trường Đại học Y Colorado và Bệnh viện St.Anthony tới thăm và làm việc với bệnh viện Bạch Mai

 

Ngay sau khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, có một bác sĩ, cựu binh Mỹ, Giáo sư Carl Edwin Bartecchi của đại học Colorado đã quay trở lại Việt Nam và tới thăm bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, cơ duyên đã đưa giáo sư Bartecchi gặp gỡ Giáo sư Vũ Văn Đính – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thời đó. Ngay sau cuộc gặp gỡ, giáo sư người Mỹ đã thành lập một dự án có tên gọi Dự án Bệnh viện Bạch Mai và dành gần 30 năm cống hiến cho sự phát triển hợp tác giữa Bạch Mai và các đối tác Mỹ.

Dự án Bệnh viện Bạch Mai của Giáo sư Bartecchi đã làm được nhiều điều đặc biệt không chỉ cho bệnh viện mà còn cho nền y tế Việt Nam. Ông đã giúp đưa các bác sĩ Việt Nam sang học và thực tập tại Mỹ. Nhờ có dự án này mà hàng chục bác sĩ và điều dưỡng của của Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện khác ở Việt Nam đã có cơ hội hiếm có khi được thực tập và học hỏi nền y học của Mỹ ngay tại các bệnh viện Mỹ.

Cũng chính nhờ dự án này mà Việt Nam có cơ hội được đón các giáo sư hàng đầu của Mỹ và thế giới đến từ nhiều bệnh viện nổi tiếng đến giảng dạy cho sinh viên y khoa và trao đổi các báo cáo nghiên cứu khoa học tại các hội thảo tại Việt Nam. Ban đầu, chương trình bắt đầu với lĩnh vực Hồi sức cấp cứu nhưng hiện nay chương trình đã mở rộng ra tới Tim mạch, Nhi khoa, Ung thư… Mỗi năm đều đặn đều có 2 đoàn với hàng chục giáo sư hàng đầu của Mỹ tới Việt Nam.

Giáo sư Bartecchi còn giúp cho Việt Nam nói chung và Bạch Mai nói riêng rất nhiều thiết bị y tế giá trị lên tới hàng trăm nghìn USD như máy thở, máy điện tim, máy sốc điện, máy theo dõi bệnh nhân hay máy nội soi, siêu âm, thậm chí là cả các giường bệnh hiện đại.

Dự án Bệnh viện Bạch Mai của Giáo sư Bartecchi đã đặt nền móng khởi đầu, xây dựng và kết nối các mối quan hệ, hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ cho Bệnh viện Bạch Mai trong nhiều năm. Ngoài ra còn phải kể tới các hợp tác đến từ Tổ chức Trao đổi nguồn lực Quốc tế REI và Viện Tai Hough Hoa Kỳ hay Quỹ Cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam (VAFF) cũng đã hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai trong lĩnh vực Xây dựng xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình, chân tay giả để hỗ trợ bệnh nhân khuyết tật; Hỗ trợ kinh phí cho đào tạo, nâng cao nghiệp vụ; kỹ năng của y bác sĩ, nhân viên y tế.

Bước ra khỏi chiến tranh, được thụ hưởng không khí hoà bình, có thể nói chính ngoại giao nhân dân đã giúp người Mỹ và người Việt Nam đã hiểu nhau hơn và cùng chia sẻ, đem lại những lợi ích cho nhau. Là thế hệ lãnh đạo mới, tôi hy vọng ngoại giao nhân dân sẽ tiếp tục là cầu nối để giúp các bác sĩ trẻ của Bệnh viện Bạch Mai có cơ hội sang Mỹ học tập và đưa các bác sĩ Mỹ đến với Bệnh viện Bạch Mai để chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo cho các bác sĩ của Bạch Mai.

Năm 2023 là năm Việt Nam và Hoa Kỳ tổ chức kỷ niệm 10 năm thiết lập Đối tác toàn diện. Ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt – Mỹ trong 10 năm qua và trong lĩnh vực hợp tác y tế?

Phó giáo sư, Bác sĩ Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:  Có thể nói, hợp tác y tế song phương là một trong những lĩnh vực nền tảng của quan hệ Việt – Mỹ.  Hợp tác y tế hai nước tập trung vào nhiều lĩnh vực y tế quan trọng như: phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, phòng chống HIV/AIDS, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng kháng kháng sinh, tăng cường năng lực xét nghiệm phòng thí nghiệm, nâng cao năng lực cán bộ y tế… Hai bên cũng đã ký một số văn bản thỏa thuận hợp tác kỹ thuật. Các hợp tác này đã góp phần tăng cường hiệu quả công tác dự phòng và giám sát dịch bệnh, nhất là phòng, chống COVID-19; phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống lao; an ninh y tế toàn cầu tại Việt Nam.

 

leftcenterrightdel
Nhìn lại 10 năm đối tác toàn diện Việt - Mỹ và xa hơn là hơn 25 năm quan hệ Việt - Mỹ, Bệnh viện Bạch Mai tự hào là điểm sáng trong các hợp tác y tế nói chung và điểm đến của những “nhịp cầu” hữu nghị nói riêng của nhân dân hai nước.

 

Nhìn lại 10 năm đối tác toàn diện Việt - Mỹ và xa hơn là hơn 25 năm quan hệ Việt - Mỹ, Bệnh viện Bạch Mai tự hào là điểm sáng trong các hợp tác y tế nói chung và điểm đến của những “nhịp cầu” hữu nghị nói riêng của nhân dân hai nước. Trong bệnh viện, các khoa, các cá nhân các bác sĩ, các chuyên ngành, từng giáo sư đầu ngành, từng bác sĩ đều có những “ việc làm ngoại giao” từ chính thức đến không chính thức đem lại những sắc thái hiệu quả cho những hợp tác giữa Bệnh viện Bạch Mai và Mỹ.

Nhờ sự hợp tác y tế Việt - Mỹ đầy hiệu quả trong thời gian qua mà nhiều bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã có cơ hội học tập tại các bệnh viện lớn của Hoa Kỳ. Khi trở về, đội ngũ bác sĩ đó đã tối ưu hoá kiến thức được đào tạo không chỉ trong công tác khám chữa bệnh cho người bệnh của Bệnh viện Bạch Mai mà còn chuyển giao, đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới. Với vai trò bệnh viện tuyến đầu trong công tác đào tạo y tế của Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai sẽ “nối dài” sự trợ giúp của Hoa Kỳ đến các bệnh viện tuyến dưới. Có thể nói giúp đỡ cho Bệnh viện Bạch Mai chính là sự giúp đỡ cho hệ thống y tế Việt Nam.

 

leftcenterrightdel

Và đặc biệt trong tương lai, với sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ và các hợp tác y tế giữa hai nước, Bệnh viện Bạch Mai hướng tới xây dựng dự án bệnh viện điện tử, học hỏi thêm các kinh nghiệm từ bạn bè Mỹ, tranh thủ sự hợp tác và ủng hộ để phát triển dự án bệnh viện thông minh này trong tương lai gần.

 

Là người trực tiếp tham gia quá trình gắn kết và thừa hưởng nhiều thành quả của mối quan hệ tốt đẹp này từ những bậc đàn anh đi trước, trên cương vị là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và cũng là Nguyên Tổng Thư ký hội Hồi sức cấp cứu và chống độc việt Nam, tôi mong muốn trong những năm tới Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục thiết lập quan hệ tốt hơn nữa với các đối tác của Mỹ để có thể đưa thêm nhiều các bác sĩ, y tá trẻ của Việt nam sang Mỹ tu nghiệp. Thứ hai, tiếp tục mời thêm được nhiều giáo sư, bác sĩ giỏi của Mỹ sang Việt Nam giúp đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm cho các bệnh viện Việt Nam chứ không chỉ dừng riêng ở Bệnh viện Bạch Mai.

Và đặc biệt trong tương lai, với sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ và các hợp tác y tế giữa hai nước, Bệnh viện Bạch Mai hướng tới xây dựng dự án bệnh viện điện tử, học hỏi thêm các kinh nghiệm từ bạn bè Mỹ, tranh thủ sự hợp tác và ủng hộ để phát triển dự án bệnh viện thông minh này trong tương lai gần.

Có người cho rằng, muốn nhìn rõ sự đặc biệt trong quan hệ Việt - Mỹ hãy đến Bệnh viện Bạch Mai, nơi gần như bị ném bom phá huỷ hoàn toàn đến nay lại là nơi “bùng nổ” các hợp tác y tế đầy hiệu quả giữa Việt Nam và Mỹ. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Phó giáo sư, Bác sĩ Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:  Ngược dòng lịch sử 50 năm trước, trong 12 ngày đêm lịch sử không thể nào quên của năm 1972 ấy, Bệnh viện Bạch Mai đã 4 lần hứng chịu những trận ném bom hủy diệt. Những trận bom đã đánh sập nhiều khu nhà làm việc và phòng bệnh, lấp kín một số hầm trong đó có nhiều bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, hộ lý đang chăm sóc người bệnh.

50 năm là đủ dài để chiến tranh lùi xa, ký ức xin được giữ lại nhưng tương lai xin dành cho những thế hệ trẻ và quan hệ hai nước đang ngày càng rộng mở. Trong thời gian qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên bệnh viện vẫn luôn tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của bệnh viện.  Nếu tìm kiếm một biểu tượng trong quá trình khép lại quá khứ, hướng tới tương lai trong quan hệ Việt - Mỹ thì có thể xem Bệnh viện Bạch Mai là một mô hình kiểu mẫu, nơi nhân dân hai nước đang ngày càng thấu hiểu và có lợi.  Hơn 25 năm qua và đặc biệt trong 10 năm hai nước thiết lập đối tác toàn diện, về phương diện y tế, khoa học kỹ thuật, phía Mỹ đã giúp đỡ, chuyển giao cho Việt Nam và Bệnh viện Bạch Mai rất nhiều kỹ thuật hiện đại, giúp đào tạo cho Việt Nam nhiều cán bộ có kỹ thuật và trình độ chuyên môn hàng đầu.

 

leftcenterrightdel
50 năm là đủ dài để chiến tranh lùi xa, ký ức xin được giữ lại nhưng tương lai xin dành cho những thế hệ trẻ và quan hệ hai nước đang ngày càng rộng mở.

 

Cá nhân tôi mong rằng, trong thời gian tới, chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế tạo điều kiện cho Bệnh viện Bạch Mai cơ hội được hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức, bệnh viện của Mỹ, để Bệnh viên Bạch mai có cơ hội vươn cao, vươn hơn, tiếp cận nền y học hiện đại, phát triển nền y học trong nước, để làm tròn trách nhiệm của một bệnh viện hàng đầu của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

 

Bà Walensky, Giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ): "Tôi có dịp thăm Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội. Tôi rất vui mừng khi thấy được hiệu quả và sự bền vững của sự hỗ trợ từ CDC Hoa Kỳ với Bệnh viện Bạch Mai và cam kết sẽ tiếp tục trợ giúp Bệnh viện này trong giai đoạn tới”.

Năm 2023 đánh dấu cột mốc 25 năm CDC Hoa Kỳ hiện diện tại Việt Nam, với nhiều hoạt động đa dạng được triển khai và đạt kết quả tốt, cho thấy quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng được mở rộng. Từ năm 1998, CDC Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch bệnh HIV/AIDS và hiện nay vẫn đang tiếp tục trong khuôn khổ chương trình PEPFAR, với sự phối hợp của Bộ Y tế, cùng các đối tác tại địa phương và cộng đồng.