Theo kết quả kiểm phiếu cuối cùng của cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 do Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ công bố ngày 7/11/2024, ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành chiến thắng với 312 phiếu đại cử tri, trong khi ứng cử viên của đảng Dân chủ Kamala Harris nhận được 226 phiếu đại cử tri.
Theo luật định, một ứng cử viên cần nhận tối thiểu 270 phiếu trên tổng số 538 phiếu đại cử tri để đắc cử Tổng thống Mỹ. Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng đã chiến thắng tuyệt đối tại 7 bang chiến địa năm nay và giành trọn 93 phiếu đại cử tri.
Dự kiến, đại cử tri đoàn của các bang sẽ nhóm họp ngày 17/12 tới để bỏ phiếu đại cử tri chính thức bầu ứng cử viên Donald Trump làm Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Trong dịp Donald Trump giành chiến thắng để lần thứ 2 trở lại Nhà Trắng, cùng Tạp chí Việt Mỹ nhìn lại các dấu ấn chính của Trump, tập trung vào quan hệ Mỹ - Việt.
Nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump từ năm 2017 đến năm 2021 mang lại nhiều thay đổi lớn đối với quan hệ kinh tế và ngoại giao toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh Mỹ gia tăng đối trọng với Trung Quốc, Việt Nam nổi lên như một đối tác quan trọng, đặc biệt khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam.
|
Ngày 6/11/2024, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành chiến thắng với 312 phiếu đại cử tri, trong khi đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris nhận được 226 phiếu đại cử tri. Như vậy, ông Trump đã đánh bại bà Harris để trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt Nam dưới thời Trump
Trước tiên, không thể không nhắc tới cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 2/2019 tại Hà Nội là một sự kiện ngoại giao nổi bật, nhấn mạnh vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.
Việc chọn Hà Nội làm nơi tổ chức hội nghị không chỉ là dấu ấn về chính trị, mà còn thể hiện sự tin cậy của Mỹ đối với Việt Nam trong việc giữ vai trò trung lập và hòa giải các vấn đề an ninh toàn cầu.
Trong bối cảnh Triều Tiên đang là mối quan tâm an ninh lớn đối với khu vực, vai trò của Việt Nam đã được đánh giá cao khi nước này được chọn làm nơi diễn ra hội nghị cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên.
Sự kiện này giúp tăng cường uy tín quốc tế của Việt Nam, khẳng định vai trò của Việt Nam là một cầu nối ngoại giao trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã tận dụng hội nghị để quảng bá hình ảnh một quốc gia hòa bình, ổn định và sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực hòa giải quốc tế.
Cũng trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã thăm Việt Nam hai lần, vào năm 2017 nhân dịp Hội nghị APEC và năm 2019 trong khuôn khổ Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.
Cả hai chuyến thăm đều là minh chứng cho sự coi trọng của Mỹ với quan hệ chiến lược với Việt Nam.
Trong đó, chuyến thăm năm 2017, Tổng thống Trump đã tham dự Hội nghị APEC tại Đà Nẵng và có cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam, thảo luận các vấn đề về an ninh, kinh tế, và hợp tác song phương. Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong chuyến thăm này, Mỹ và Việt Nam đã ký các hợp đồng thương mại lớn với tổng trị giá gần 12 tỷ USD, trong đó tập trung vào các lĩnh vực hàng không và năng lượng.
Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từ giữa năm 2018 đã tạo ra sự thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các công ty Mỹ và quốc tế đã chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực, và Việt Nam đã nổi lên như một trong những điểm đến hàng đầu nhờ vào lợi thế chi phí thấp và môi trường đầu tư thân thiện.
Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong giai đoạn từ 2017 đến 2020. Tổng vốn FDI đăng ký tăng từ 15,8 tỷ USD năm 2017 lên 20,4 tỷ USD năm 2019. Các nhà đầu tư lớn như Apple, Samsung, LG, và Intel đã mở rộng sản xuất tại Việt Nam để giảm thiểu tác động từ thuế quan Mỹ - Trung.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đã thúc đẩy xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam, chiếm 36% trong tổng giá trị xuất khẩu của cả nước năm 2020 (Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam).
Những thách thức còn đó
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donal Trump, Việt Nam được coi là một trong những nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, đạt 63 tỷ USD năm 2020, tăng từ mức 39,5 tỷ USD năm 2017.
Thặng dư thương mại lớn dẫn đến cáo buộc từ Mỹ về việc Việt Nam thao túng tiền tệ.
Theo những số liệu từ chính phía Mỹ, Tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam đã can thiệp vào tỷ giá để giữ đồng VND ở mức thấp, nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh xuất khẩu. Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi, buộc Việt Nam phải thực hiện các cam kết minh bạch hơn về chính sách tỷ giá.
Cũng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tạo ra khoảng trống lớn trong thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại khác như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Những hiệp định này giúp Việt Nam mở rộng thị trường và giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc.
Cũng theo Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 22% và sang các nước CPTPP tăng 15% sau khi các hiệp định có hiệu lực.
Một vài Dự báo cho nhiệm kỳ tới của Trump và các tác động đối với Việt Nam
Nếu Donal Trump duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc, Việt Nam có thể tiếp tục thu hút FDI.
Mô hình dự báo ARIMA cho thấy Việt Nam có thể tăng trưởng FDI ở mức 10-12%/năm trong các lĩnh vực điện tử, dệt may và chế tạo. Tuy nhiên, để duy trì sức hấp dẫn, Việt Nam sẽ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Trong nhiệm kỳ tiếp theo, Trump có thể tiếp tục gây áp lực lên Việt Nam về thặng dư thương mại. Nếu Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại như tăng thuế, ngành xuất khẩu điện tử và may mặc của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.
Có lẽ thời gian tới, sẽ có nhiều sự chuyển dịch trong nền kinh tế.
Có thể nhìn một cách sơ bộ, nhiệm kỳ đầu tiên của Trump đã tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thông qua dòng vốn FDI và tăng trưởng xuất khẩu, nhưng cũng mang đến các thách thức về thương mại và tiền tệ. Trong nhiệm kỳ thứ 2 của Donal Trump, Việt Nam có thể tiếp tục hưởng lợi từ chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, nhưng cũng phải chuẩn bị cho các biện pháp đối phó với áp lực về thặng dư thương mại.
Việc thúc đẩy các cải cách kinh tế và tăng tính tự chủ là vẫn được cho là yếu tố cần thiết để Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu biến động.
Tài liệu tham khảo
Ngân hàng Thế giới. (2017-2020). Báo cáo đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Tổng cục Thống kê Việt Nam. (2020). Số liệu thống kê về xuất nhập khẩu và tăng trưởng GDP.
Bộ Tài chính Mỹ. (2020). Báo cáo thao túng tiền tệ và quan hệ thương mại Việt - Mỹ.
Báo cáo CPTPP và EVFTA từ Bộ Công Thương Việt Nam