Tại phiên họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: "Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia vào quá trình hình thành, phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm ở Việt Nam, nhất là các dự án năng lượng như: năng lượng mới, hydrogen, điện hạt nhân…,tạo tiền đề để tăng cường nhập khẩu khí hóa lỏng, nhiên liệu, thiết bị máy móc, công nghệ từ Hoa Kỳ, qua đó góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước".

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã chủ động giao các bộ ngành rà soát những vướng mắc, xây dựng phương án xử lý những vấn đề Hoa Kỳ quan tâm, trên cơ sở thương mại công bằng, có đi có lại, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng hài hòa, thỏa đáng lợi ích của các bên.

Nói về việc Tổng thống Hoa Kỳ đã có một số chính sách, đặc biệt là liên quan vấn đề áp thuế, đối với tất cả các mặt hàng trên thế giới nhưng đồng thời cũng có những mặt hàng có mức thuế khác nhau, áp với các quốc gia khác nhau, ông Tân cho biết, về phía Việt Nam, ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ đã đề cập đến biến động diễn biến của thị trường thế giới, đồng thời với đó là một số chính sách tác động từ phía Hoa Kỳ. "Như vậy, Chính phủ đã chủ động lường trước được sự việc và đề xuất các giải pháp", ông Tân nói.

Tuy nhiên, ông Tân cho rằng, Việt Nam tuy không nằm ngoài và chịu tác động bởi việc này nhưng có nhiều nước chịu tác động mạnh hơn, chúng ta chưa phải là nước chịu tác động mạnh. Bộ Công Thương đã phối hợp kịp thời với các bộ, ngành có những báo cáo lên Chính phủ. Dự kiến trong tháng 3, Chính phủ sẽ họp bàn chuyên đề trọng tâm, trọng điểm vào những giải pháp.

 

Bộ Công Thương đã giao cho thương vụ các nước trên thế giới (không phải chỉ riêng thương vụ Hoa Kỳ) cùng vào cuộc và gửi thông tin kịp thời.

Ngoài ra, thông qua Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Bộ Công Thương đã chủ động chuyển tải thông điệp tới phía Hoa Kỳ về mong muốn duy trì và xây dựng mối quan hệ kinh tế, thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi với Hoa Kỳ. Đồng thời khẳng định Việt Nam không có bất cứ chính sách nào có thể gây phương hại đến người lao động hay an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh bổ sung cho nhau. Việc mất cân bằng trong thương mại giữa hai nước xuất phát từ tính chất bổ trợ giữa hai nền kinh tế, là do cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước, không phải do nguyên nhân khác. 

Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên thị trường. Ngược lại, hàng hóa của Việt Nam còn tạo điều kiện để người tiêu dùng Mỹ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một nền kinh tế mở, trong quá trình hội nhập, Việt Nam theo đuổi một chính sách thương mại tự do, mức độ chênh lệch thuế quan đối với hàng hóa Hoa Kỳ là không nhiều và trong thời gian tới có thể tiếp tục xuống thấp hơn, do Việt Nam chủ trương giảm thuế MFN đối với nhiều mặt hàng.

Hải Anh