Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ được chính thức thiết lập ngày 12/7/1995 và hai bên đã trao đổi sáu chuyến thăm cấp cao: Tổng thống Hoa Kỳ Bin Clinton thăm Việt Nam năm 2000; Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ năm 2005); Tổng thống Hoa Kỳ George Bush thăm Việt Nam năm 2006; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Hoa Kỳ năm 2007; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Hoa Kỳ năm 2008; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ tháng 7/2013 và trong chuyến thăm này, hai bên đã ra Tuyên bố chung xác lập quan hệ "Đối tác toàn diện".

Đặc biệt, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm đầu tiên đến Hoa Kỳ từ ngày 06-10/7/2015 theo lời mời của Chính quyền Tổng thống B. Obama. Chuyến thăm lịch sử này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa quan hệ hai nước vươn tới tầm cao mới.

Trong bối cảnh ngày càng quan tâm hơn tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á, Hoa Kỳ nhiều lần tuyên bố ủng hộ một Việt Nam độc lập, hùng mạnh và thịnh vượng; coi trọng vai trò của Việt Nam trong khu vực và đánh giá cao một thị trường 100 triệu dân và một nền kinh tế có tiềm năng và quy mô ngày càng lớn.

Về phần mình, Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định luôn sẵn sàng phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Mỹ trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, để thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam ưu tiên mở rộng hợp tác hơn nữa với Hoa Kỳ trên cả bình diện song phương, khu vực và toàn cầu phù hợp với lợi ích của Việt Nam, coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu, nhất là về kinh tế - thương mại.

Trong suốt 10 năm qua, sự hợp tác Việt-Mỹ với tư cách đối tác toàn diện đã phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất hiệu quả trên cả 3 bình diện song phương, khu vực và quốc tế, với 9 lĩnh vực hợp tác chủ chốt, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường - y tế tới giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng - an ninh, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và văn hóa - du lịch - thể thao.. ; trong đó, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là điểm sáng nổi bật, thành công nhất, trở thành trọng tâm, nền tảng vật chất, động lực phát triển mạnh mẽ cho quan hệ chung giữa hai nước:

Về quan hệ thương mại, năm 2022, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm tỉ trọng 20% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước) và cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD.

Hoa Kỳ cũng là thị trường đứng thứ 5 về cung cấp hàng hóa cho Việt Nam, chiếm tỉ trọng 5% trong tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của nước ta từ năm 2018.  Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.

Giai đoạn 2020-2022, Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Mỹ năm 2022 là 123 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2013 và tăng tới 273 lần so với chỉ 450 triệu USD vào năm 1994. 

Về quan hệ đầu tư, nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hoa Kỳ hiện xếp thứ 11/142 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 1.223 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 11,4 tỷ USD.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường chiến lược với cam kết đầu tư dài hạn, ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao… Nhiều đoàn doanh nghiệp rất lớn của Mỹ đã đến Việt Nam và đưa ra thông điệp đáng tin cậy về xu hướng các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, như tập đoàn General Electric (GE), hãng Intel, Nike Exxon Mobil, Amazon, Coca Cola, Google, Facebook, Paypal, Visa...

Hoa Kỳ nằm trong top 10 quốc gia mà Việt Nam có dự án đầu tư. Gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam ngày càng quan tâm đầu tư vào Hoa Kỳ và được phía Hoa Kỳ đánh giá cao.

Nhiều công ty Hoa Kỳ đang hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để đạt được mục tiêu xóa bỏ "dấu chân carbon", góp phần cung cấp cho Việt Nam nguồn nhân lực có kỹ thuật cao và xây dựng các khu công nghiệp carbon thấp. Thời gian tới, AmCham sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu đưa ra tại COP26.

 Hoa Kỳ là thị trường có tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt trong ngành hàng nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ

Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã ký Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) vào ngày 6/5/2014, mở ra một lĩnh vực hợp tác mới, thu hút nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ phát triển hạt nhân dân sự ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, hai bên phối hợp với nhau ngày càng hiệu quả trong phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu ở nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương mà cả hai nước là thành viên, như Liên Hợp Quốc, Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và các đối tác (ADMM+)...; đẩy mạnh hợp tác liên quan đến chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững sông Mekong; xây dựng các cấu trúc mới ở khu vực về chính trị, kinh tế, an ninh và thúc đẩy giải quyết tranh chấp, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); không dùng vũ lực và de dọa sử dụng vũ lực, bảo đảm tự do và an toàn an ninh hàng hải, hàng không, quyền khai thác tài nguyên hợp pháp, nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Việt Nam ủng hộ việc nâng cấp quan hệ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Hoa Kỳ lên "Đối tác chiến lược".

Ngoài ra, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung và quan hệ đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ nói riêng đang có thêm động lực bổ sung tích cực từ các sự kiện kinh tế đối ngoại mới. Ngày 27/5/2023, các Bộ trưởng thương mại của Việt Nam, Mỹ và 12 đối tác khác trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) đã công bố kết thúc đàm phán về Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF quốc tế đầu tiên. Thỏa thuận được đề xuất nhằm mục đích tăng cường khả năng phục hồi, hiệu quả, năng suất, tính bền vững, minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, công bằng và tính toàn diện của chuỗi cung ứng thông qua cả các hoạt động hợp tác và hành động riêng lẻ được thực hiện bởi từng đối tác IPEF...

Thực tế đã, đang và sẽ còn cho thấy, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung và kinh tế-thương mại-đầu tư nói riêng ngày càng phát triển nhờ sự chia sẻ những lợi ích ngày càng rộng lớn; với tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai" và thái độ đối thoại chân thành, thẳng thắn, xây dựng từ cả hai phía, dựa trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc; đồng thời được đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam là rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập sâu rộng với thế giới, coi trọng quan hệ với các nước lớn, các đối tác quan trọng, cũng như của nhiều tổ chức, diễn đàn hợp tác khác.

Hoa Kỳ là thị trường khó tính, đòi hỏi cao, nhưng có tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn cho các doanh nghiệp Việt (đặc biệt trong ngành hàng nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ...). Thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư vừa là trọng tâm, vừa là cơ sở và động lực cho quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

VCCI, Phòng Thương mại Hoa Kỳ AmCham cần tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ kết nối kinh doanh và đầu tư; sử dụng hiệu quả cơ chế của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), trong đó tập trung vào triển khai và phát huy cơ chế cảnh báo sớm để mỗi bên có sự chuẩn bị kịp thời đối với tác động của các chính sách, quy định mới.

Đồng thời, Việt Nam cần nỗ lực tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thành công tại Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam đang mong muốn phát triển, như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và bền vững, kết cấu hạ tầng, tài chính ngân hàng, giáo dục đào tạo, du lịch, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo, ô tô, hàng không, kinh tế số, trang thiết bị y tế, ngân hàng…

Các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ trong hoàn thiện thể chế, tạo môi trường chính sách thuận lợi, ổn định trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu, bảo đảm thông tin truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá và phòng chống các biểu hiện né tránh thuế và gian lận thương mại; xây dựng và tận dụng tốt hệ thống phân phối, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư.

Đặc biệt, coi trọng xây dựng, phát triển các kết nối theo chuỗi với các doanh nghiệp và đối tác nội địa của Hoa Kỳ trên cơ sở tuân thủ luật pháp của Hoa Kỳ và gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu... Tất cả để phát triển quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ sang một trạng thái mới với quy mô lớn hơn, lợi ích nhiều hơn, chất lượng và hiệu quả cao hơn, tương xứng với sự gia tăng của quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 14-16/4/2023, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đánh giá:  Kể từ khi bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tạo dựng được mối quan hệ bền vững, năng động và hiệu quả...

Việt Nam và Hoa Kỳ là những đối tác thực sự để cùng thúc đẩy lợi ích chung giữa hai nước và cùng vì lợi ích của người dân mỗi nước... Với Hoa Kỳ, Việt Nam luôn là một trong những mối quan hệ năng động nhất và quan trọng trong nhiều thập kỷ vừa qua và chúng tôi tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong nhiều thập kỷ tới!

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong/chinhphu.vn