Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, theo số liệu của Ủy ban thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USITC), hết tháng 5/2024, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 54,8 tỷ USD (tăng 15% so với cùng kỳ 2023).
Đây là mức tăng trưởng khả quan khi hầu hết các nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam đều có mức tăng trưởng thấp hoặc dưới 0%.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 55,1 tỷ USD, tăng 24% (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
Thặng dư thương mại đạt 48 tỷ USD đóng góp chung vào tổng thặng dư thương mại của Việt Nam là 12 tỷ USD.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm với kỳ vọng đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp tổng kim ngạch xuất khẩu hai nước đạt mốc trên 100 tỷ USD và vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.
Phân tích động lực tăng trưởng thương mại của hai nước trong thời gian qua, ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh.
Mặt khác, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.
Điều này đồng thời tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.
Dù vậy, đi cùng sự phát triển kim ngạch thương mại, hiện nay hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang gặp rất nhiều rào cản, các biện pháp phòng vệ thương mại thông qua điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và lẩn trách các biện pháp thuế phòng vệ thương mại cũng như chuyền tải hàng hoá.
|
Ảnh minh hoạ |
Chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại
"Tính đến tháng 6 năm 2024, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với 11 vụ việc. Không chỉ là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam mà Hoa Kỳ còn là thành viên điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trong các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với nhiều thị trường khác", ông Đỗ Ngọc Hưng thông tin.
Nguyên nhân là bởi, nhập khẩu gia tăng đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh trong nước của các ngành sản xuất Hoa Kỳ ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tăng cường sử dụng công cụ này để hạn chế nhập khẩu, giảm bớt áp lực cạnh tranh.
Các ngành hàng xuất khẩu bị Hoa Kỳ kiện phòng vệ thương mại có kim ngạch từ thấp đến những mặt hàng chiếm thị phần lớn và có kim ngạch cao, như: Các sản phẩm thép, thủy sản (tôm, cá tra), máy móc thiết bị, gỗ, đồ nội thất, túi giấy, túi ni lông, nhôm... và gần đây là mặt hàng đĩa giấy.
Chính vì vậy, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần xác định nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại sẽ luôn hiện hữu cùng với gia tăng xuất khẩu và cần chủ động trong kế hoạch ứng phó.
"Các vụ kiện sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi kinh tế Mỹ cũng như thế giới đang có những khủng hoảng, ngành sản xuất Mỹ gặp khó khăn và đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Hoa Kỳ cần sự ủng hộ của cử chi khi bầu cử Tổng thống Mỹ sắp đến (hiện Bộ Công Thương đã chỉ đạo về kết luận sơ bộ của DOC về thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng mật ong thô của Việt Nam)", ông Đỗ Ngọc Hưng cảnh báo.
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ pháp luật, quy trình điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các thông tin, tài liệu đề phòng vụ việc xảy ra.
Trong trường hợp xảy ra vụ việc, các doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam, như Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và cơ quan điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong việc cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu.
Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại, Cơ quan Thương vụ) tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ (DOC).
Cùng với đó, phối hợp và hợp tác với cơ quan điều tra trong việc cung cấp thông tin, tiếp đoàn thẩm tra tại doanh nghiệp và tham gia đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh DOC mở rộng thẩm quyền cũng như bổ sung các quy định về điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp (quy định về trợ cấp xuyên biên giới, có tính đến các yếu tố như môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ...).