Trong năm qua kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden Jr. và cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng công bố sự kiện lịch sử – nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, hợp tác song phương đã được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực quan trọng, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.
TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ
Quan hệ kinh tế Hoa Kỳ-Việt Nam tiếp tục vững mạnh, hướng tới tương lai và tích cực. Trong tuần này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Alexis Taylor đang dẫn đầu phái đoàn thương mại nông nghiệp lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam, với sự tham gia của đại diện từ 50 doanh nghiệp Hoa Kỳ và 9 Bộ Nông nghiệp của các tiểu bang nhằm kỷ niệm một năm Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam.
Trong tháng 6, Đại sứ Marc Knapper đã dẫn đầu một phái đoàn lớn kỷ lục gồm 65 doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư SelectUSA tại Washington, D.C., với số lượng nữ doanh nhân tham dự cao kỷ lục.
Đối thoại Kinh tế Đối tác Chiến lược Toàn diện đầu tiên, một diễn đàn mới thảo luận hợp tác chính sách và kinh tế, cũng đã được tổ chức trong tháng 6.
Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đang hỗ trợ nền kinh tế số ngày càng phát triển của Việt Nam thông qua Biên bản ghi nhớ được ký kết với Bộ Công thương (MoIT) cho một chương trình mới trị giá 3,2 triệu đô la tập trung vào thương mại số.
USAID cũng đã khởi động quan hệ hợp tác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhằm mở rộng các cơ hội tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong tháng 8, Việt Nam đã phê duyệt cho phép nhập khẩu quả xuân đào và đào từ California vào Việt Nam.
MỞ RỘNG HỢP TÁC GIÁO DỤC, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đang tăng cường đào tạo các kỹ năng về kỹ thuật và phát triển lực lượng lao động ở mọi cấp độ thông qua các quan hệ đối tác mở rộng giữa các tổ chức Hoa Kỳ-Việt Nam và các đối tác công-tư, bao gồm mở rộng đào tạo tiếng Anh cho sinh viên ngành STEM, các chương trình trao đổi mới tập trung vào phát triển lực lượng lao động, các cơ hội học bổng Fulbright mới cho sinh viên và chuyên gia ngành STEM, và việc ra mắt Chương trình Tăng tốc Lực lượng Lao động ITSI-CHIPS mới trị giá 4 triệu đô la tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 11 tháng 9 nhằm xây dựng năng lực trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Thông qua các nỗ lực này cũng như các dự án khác, bao gồm dự án Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Đại học mới trị giá 15,5 triệu đô la của USAID, Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc hiện đại hóa và quốc tế hóa các chương trình khoa học và công nghệ quan trọng nhằm cung cấp giáo dục chất lượng cao và phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
THẮT CHẶT HƠN QUAN HỆ NGOẠI GIAO
Trong năm qua kể từ khi nâng cấp quan hệ, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều thành viên Quốc hội và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam đã đến thăm Hoa Kỳ.
Các phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ do Hạ nghị sĩ Young Kim, Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand và Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth dẫn đầu đã đến Việt Nam và gặp gỡ các lãnh đạo Quốc hội và các lãnh đạo khác của Việt Nam nhằm tìm hướng tiếp tục mở rộng hợp tác giữa hai quốc gia.
Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục làm việc cùng nhau trong những vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương thông qua các cơ chế đối thoại mới, bao gồm Đối thoại Kinh tế Hoa Kỳ-Việt Nam, Đối thoại Thực thi Pháp luật và An ninh Hoa Kỳ-Việt Nam, và Đối thoại An ninh Năng lượng sắp diễn ra tại Washington, D.C.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên thảo luận về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đã được tổ chức vào tháng 3.
TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH
Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở với các vùng biển và vùng trời được quản lý theo luật pháp quốc tế. Sự hợp tác của chúng ta thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.
Đối thoại Thực thi Pháp luật và An ninh Hoa Kỳ-Việt Nam lần đầu tiên đã diễn ra vào tháng 7. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và các đối tác Việt Nam đã khởi động những nỗ lực mới nhằm chống lại nạn buôn bán gỗ bất hợp pháp.
Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ đã hợp tác với Bộ Công an Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, Tổng cục Hải quan Việt Nam, Cục Kiểm ngư và Cục Hàng hải Việt Nam nhằm tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ trong lực lượng thực thi pháp luật.
Tại Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng lần thứ 13 diễn ra vào tháng 8, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Bonnie Jenkins đã công bố một Chương trình Khách mời Quốc tế về Đào tạo Lãnh đạo thiết kế riêng nhằm hỗ trợ các cán bộ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Việt Nam.
Trong tháng 7, tàu USS Blue Ridge của Hải quân Hoa Kỳ và tàu tuần tra Waesche của Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ đã đến thăm cảng Cam Ranh và tham gia các hoạt động giao lưu cộng đồng và văn hóa tại Khánh Hòa.
Trong năm qua, Hoa Kỳ đã bàn giao năm ngôi trường mới và hai phòng khám tại các tỉnh Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị và Cao Bằng. Ngoài ra, các lực lượng Hoa Kỳ đã cải tạo hai phòng khám và hai trường học ở tỉnh Quảng Ngãi trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Thái Bình Dương và Thiên thần Thái Bình Dương 2024.
Các trường học và phòng khám này có thể được sử dụng làm nơi lưu trú tránh thiên tai khi xảy ra thảm họa, và việc xây dựng các cơ sở này là một phần của hợp tác quốc phòng về hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa.
MỞ RỘNG HỢP TÁC GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ CÒN TỒN LẠI SAU CHIẾN TRANH
Hoa Kỳ cam kết tiếp tục giải quyết các vấn đề còn tồn lại sau chiến tranh. Trong năm qua, Hoa Kỳ đã cam kết hơn 26 triệu đô la dưới dạng tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận nhằm cải thiện an toàn trong các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật liệu chưa nổ.
Chương trình hỗ trợ người khuyết tật lớn nhất của USAID trên toàn cầu đang được triển khai tại Việt Nam, và chương trình này đã mở rộng đến các tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
USAID cũng đã hoàn thành thử nghiệm thí điểm thành công quy trình xử lý dioxin sẽ được sử dụng tại Sân bay Biên Hòa.
Trong năm qua, thông qua nhiều buổi lễ, Hoa Kỳ đã trao trả hiện vật cá nhân cho hơn mười gia đình của các cựu chiến binh Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến Tìm kiếm Người Việt Nam Mất tích trong Chiến tranh.
Các nỗ lực nhằm tăng cường năng lực phân tích ADN của Việt Nam nhằm xác định danh tính người mất tích cũng đạt được một dấu mốc quan trọng khi chứng minh rằng công nghệ ADN hạt nhân có thể áp dụng trên các mẫu của Việt Nam.
Hoa Kỳ tiếp tục cam kết cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam trong việc phát triển hơn nữa các năng lực này và giải quyết những thách thức còn lại.
THÚC ĐẨY NĂNG LƯỢNG HIỆU QUẢ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Hoa Kỳ hoan nghênh việc phê duyệt Thỏa thuận Mua bán Điện Trực tiếp (DPPA) vào ngày 3 tháng 7 sau tám năm hợp tác giữa Bộ Công thương (MOIT) và USAID trong quá trình phát triển DPPA.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam giờ đây có thể mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo, giúp Việt Nam thu hút đầu tư xanh lớn hơn và đồng thời giúp các tập đoàn đạt được mục tiêu giảm phát thải.
Hoa Kỳ, thông qua dự án Bảo tồn Môi trường sống Ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, cũng đang xây dựng khả năng chống chịu cho các hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. USAID đã hỗ trợ Vườn quốc gia Cát Tiên đạt được chứng nhận Danh sách Xanh của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, một sự công nhận quốc tế dành cho các khu bảo tồn có đóng góp tích cực trong việc bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học của thế giới. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nhằm sử dụng phân bón hiệu quả hơn, giảm chi phí, khí thải nhà kính và ô nhiễm nước.
Ngoài ra, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ đã khởi động một chương trình thí điểm nhằm cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam bằng cách thúc đẩy các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho việc đốt rơm rạ cho nông dân tại Hải Dương và Hà Nội, và một quan hệ đối tác với khu vực tư nhân nhằm giúp các doanh nghiệp và doanh nhân giảm thiểu rác thải nhựa và thúc đẩy tái chế.
Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) trước thềm COP29 tại Baku. Những lĩnh vực hợp tác này sẽ được thảo luận trong Đối thoại An ninh Năng lượng sắp tới.
THÚC ĐẨY VÀ BẢO VỆ NHÂN QUYỀN
Tại Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam lần thứ 27 vào tháng 11 tại Washington, DC, Hoa Kỳ và Việt Nam đã thảo luận về nhiều vấn đề nhân quyền, bao gồm tôn trọng quyền tự do ngôn luận và lập hội; tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng; pháp quyền và cải cách pháp lý; quản trị lĩnh vực an ninh; và quyền của các thành viên thuộc các nhóm dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi, bao gồm các nhóm dân tộc thiểu số, người LGBTQI+ và người khuyết tật, cũng như các trường hợp cá nhân đáng quan tâm.
Phái đoàn Việt Nam cũng đã có những cuộc thảo luận tương tự với các văn phòng Quốc hội Hoa Kỳ.
Vào tháng 8, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền Uzra Zeya đã thăm Việt Nam với mục đích thúc đẩy các ưu tiên nhân quyền của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận thẳng thắn và dựa trên kết quả với chính phủ Việt Nam để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.
TĂNG CƯỜNG AN NINH Y TẾ
Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đang tăng cường hệ thống y tế của Việt Nam bằng cách giải quyết các thách thức then chốt về y tế công cộng.
Tại Cần Thơ và An Giang, USAID đã khởi động một sáng kiến nhằm nâng cao năng lực địa phương trong phát hiện, ngăn chặn và ứng phó các bệnh truyền nhiễm liên quan đến biến đổi khí hậu và gần đây đã trao một dự án mới trị giá 21,5 triệu đô la nhằm tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm mới nổi, phòng ngừa bệnh lây truyền từ động vật sang người, truyền thông về nguy cơ và sự tham gia của cộng đồng trên khắp Việt Nam.
Hoa Kỳ cũng đang hỗ trợ Chương trình Chống Lao Quốc gia của Việt Nam (NTP) trong việc triển khai quy trình sàng lọc trên toàn quốc cho trẻ em. Quy trình này đóng vai trò quan trọng trong việc xác định khoảng 70% các trường hợp lao ở trẻ em chưa được phát hiện.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã hợp tác với NTP nhằm mở rộng mạng lưới các phòng thí nghiệm có thể phát hiện chính xác bệnh lao kháng thuốc. Ngoài ra, USAID đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống oxy lỏng tại các cơ sở y tế của Việt Nam, cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận oxy giúp cứu người.
Đến cuối năm 2024, USAID sẽ cung cấp hệ thống oxy lỏng cho 23 cơ sở y tế tại 11 tỉnh, tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam.
CDC Hoa Kỳ đã xây dựng năng lực trong lĩnh vực giải trình tự gen và tin sinh học nhằm phát hiện các mối đe dọa nhanh hơn tại Bệnh viện Bạch Mai, thông qua nhiều trao đổi trực tiếp với các cán bộ phòng thí nghiệm từ Việt Nam.
USAID cũng đã hợp tác với Trường đại học Khoa học Sức khỏe trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nơi gần đây đã đạt được chứng nhận Đảm bảo Chất lượng của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN-QA), đảm bảo chương trình giảng dạy của trường đạt tiêu chuẩn quốc tế và đào tạo ra các bác sĩ hàng đầu thế giới.
CDC Hoa Kỳ đã tăng cường kỹ năng về y tế thông qua Chương trình Đào tạo Dịch tễ học Thực địa, chương trình này đã cung cấp hỗ trợ thực địa thiết yếu cho các đợt bùng phát gần đây, như bùng phát bệnh sởi.