leftcenterrightdel
 

Hội chợ Thuỷ sản Bắc Mỹ năm 2023 đã khai mạc hôm 12/3 tại thành phố Boston, bang Massachuset, Mỹ  thu hút hàng ngàn doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới tham dự. 

Sự háo hức gặp lại nhau của khoảng hơn 20.000 đối tác, bạn hàng từ khắp nơi trên thế giới. Năm nay, ngoài hơn 40 gian hàng từ các quốc gia truyền thống, còn có nhiều nước lần đầu tham dự. Đây như một tín hiệu hồi phục trở lại sau dịch.

Đoàn Việt Nam năm nay có 17 doanh nghiệp  tiêu biểu về chế biến và xuất khẩu thuỷ sản với nhiều mặt hàng mới và cả những mặt hàng chế biến sâu tham dự. 

Tại Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ, các DN Việt Nam tích cực tìm kiếm đối tác mới, thị trường mới và khẳng định vị thế xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ở thị trường Bắc Mỹ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ cán mốc 2 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021. Có được điều này là nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của chính sách và sự chuyển mình mạnh mẽ của doanh nghiệp.

"Chúng tôi đã làm thêm những sản phẩm mới, những sản phẩm mà thời gian trước gần như chúng tôi không nhận. Đây là dòng sản phẩm khách hàng rất thích. Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2023, sản phẩm này sẽ giúp doanh thu tăng trưởng để hỗ trợ cho các sản phẩm khác", ông Minh Nguyễn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thực phẩm Nghi Sơn, cho biết.

Tháng cuối cùng của năm 2022 và kéo sang đầu năm nay, do lạm phát tại Mỹ tăng cao trở lại, nhu cầu tiêu thụ với thực phẩm nói chung đã giảm sút. Điều này khiến doanh số của ngành thủy sản chững lại. Cùng lúc, trên thị trường có thêm nhiều "người chơi" tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ tới các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như tôm, cá tra…

leftcenterrightdel
 

"Trong tình huống khó khăn như thế này, các doanh nghiệp phải hoàn thiện mình bằng cách giảm chi phí tối ưu nhất để làm sao có vị trí đứng. Thứ hai là tập trung vào giá trị gia tăng. Thứ ba là tập trung vào chất lượng sản phẩm để nâng tầm sản phẩm khi vào thị trường khó khăn như ở Mỹ, Nhật", bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), nhận định.

"Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ sẵn sàng tiếp tục đồng hành với VASEP, với các doanh nghiệp thủy, hải sản, cũng như với các bộ ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để thúc đẩy đưa các mặt hàng của chúng ta tiếp cận sâu hơn nữa, đáp ứng tốt hơn nữa thị trường Hoa Kỳ", Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, cho hay.

Theo đánh giá của Tổ chức Thị trường và Nghiên cứu, thị trường thủy sản thế giới nói chung, Mỹ nói riêng vẫn còn nhiều tiềm năng mở rộng. Dự tính năm 2022, thị trường thủy sản toàn cầu ước đạt hơn 116 tỷ USD và sẽ tăng lên khoảng 155 tỷ USD tới 2030. Khó khăn, thách thức vẫn luôn xuất hiện cùng với cơ hội. Vì vậy các doanh nghiệp chuyển mình, thích nghi sớm với điều kiện mới sẽ tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường.

Lạm phát cao đã làm tăng giá thành các mặt hàng thực phẩm nói chung và hàng thuỷ sản nói riêng tại Mỹ trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023. Điều này đã ảnh hưởng tới sức tiêu thụ của người tiêu dùng, khiến doanh thu của ngành thuỷ sản trong năm 2022 chững lại.

Tuy nhiên, thị trường thuỷ sản Mỹ vẫn được coi là tiềm năng với quy mô vào khoảng 6,4 tỷ USD trong năm 2022. Người tiêu dùng Mỹ cũng đang có xu hướng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm thuỷ, hải sản, thay vì tiêu thụ các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm truyền thống.

Theo số liệu của Ban tổ chức Hội chợ Thuỷ sản Bắc Mỹ, tới năm 2019, mới chỉ có khoảng 56% người Mỹ ăn hải sản 2 lần mỗi tháng. Tuy nhiên, số người thường xuyên ăn 2 - 3 bữa mỗi tuần đã tăng lên 59% vào năm 2022. Tôm vẫn là món ăn yêu thích nhất. Đây là mặt hàng mà Việt Nam vẫn có lợi thế khi xuất khẩu vào thị trường này.