Thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 khi thế giới chứng kiến nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng và thân thiện, có nhiều dư địa để phát triển hơn nữa trong tương lai. Sự xuất hiện của các tập đoàn công nghệ đến Việt Nam để khám phá cơ hội hứa hẹn một bước phát triển mới. 

Ước tính cả năm, thu hút vốn FDI đạt hơn 36,6 tỷ USD, tăng hơn 32% so với năm ngoái. Theo thông tin Cục Đầu tư nước ngoài đưa ra, dòng vốn FDI chủ yếu đổ vào các tỉnh, thành phố có lợi thế như cơ sở hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực ổn định, thủ tục hành chính đơn giản, năng động trong xúc tiến đầu tư. Các địa phương này bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương và Đồng Nai.

Singapore đứng đầu danh sách 111 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn vào thị trường Việt Nam với hơn 6,8 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong số các nước khác, Nhật Bản đứng thứ hai với gần 6,57 tỷ USD, tăng 37,3%, tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc) với hơn 4,68 tỷ USD, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy tổng giải ngân vốn FDI cũng đạt kỷ lục với hơn 23 tỷ USD - mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay. Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, thiết bị điện tử, năng lượng tái tạo… tiếp tục mở rộng, đầu tư mới vào Việt Nam trong tương lai gần.

Quan trọng hơn nữa là vốn FDI vào Việt Nam đang đi đúng theo chủ trương, định hướng của Chính phủ là chuyển từ các ngành sử dụng lao động sang sử dụng chất xám.

Dọn ổ để đón đại bàng

Khái niệm đại bàng chỉ các tập đoàn lớn trên thế giới được nói nhiều nhất trong 3 năm trở lại đây khi đại dịch COVID-19 khiến chuỗi sản xuất, cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy. Sau đại dịch và sự bất ổn kinh tế và địa chính trị gần đây, nhiều tập đoàn và kênh phân phối bán buôn và bán lẻ đang tích cực theo đuổi chiến lược đa dạng hóa để đảm bảo nguồn cung cấp bền vững và có chọn lọc. Tình thế dẫn đến sự luân chuyển dòng vốn để tránh rủi ro và nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã "dọn ổ đón đại bàng". 

Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn rút lui khỏi thị trường cố định để mở rộng sang các thị trường khác nhờ chính sách thu hút đầu tư vượt trội cũng như lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, chính trị ổn định và các quy định thuận lợi cho hoạt động thương mại. Nhiều tập đoàn quốc tế cũng cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam. 

 Năm 2023, Việt Nam đón nhiều "đại bàng" làm tổ

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam có những điều kiện cần thiết, bao gồm cơ sở hạ tầng, chính sách và lực lượng lao động lành nghề để chủ động thúc đẩy và hấp thụ làn sóng đầu tư sắp tới. 

Khát vọng về ngành công nghiệp bán dẫn được thổi bùng từ chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam vào tháng /92023 và hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Đôi bên cùng nhấn mạnh việc coi đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, trong đó có chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), là trọng tâm hợp tác trong thời gian tới. 

Chỉ ít ngày sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến công du tới Mỹ để tham dự tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng cũng đến thăm trụ sở Nvidia, mời tỷ phú Jensen Huang (Chủ tịch, Tổng giám đốc Nvidia) tới Việt Nam.

Hơn 2 tháng sau, Chủ tịch Nvidia đã đến Việt Nam nhằm thảo luận về việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI. Người được mệnh danh là "phù thủy AI" khẳng định "sẽ biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia". Chủ tịch Tập đoàn Nvidia, tỷ phú Jensen Huang cũng cho rằng làn sóng AI mới là cơ hội lớn cho Việt Nam trong giai đoạn này.

Sự kiện này không khỏi khiến người ta nhớ lại cách đây gần 18 năm, tháng 4/2006, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bill Gates đã đến thăm Việt Nam. Là người giàu nhất thế giới với tài sản ròng 50 tỷ USD theo Forbes' Billionaires Index lúc bấy giờ, ông Bill Gates được kỳ vọng sẽ dẫn dắt Microsoft nối bước Intel, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin tại khu vực Đông Nam Á, một trong những thị trường chưa được khai thác lớn nhất châu Á, theo nhận xét của nhiều nhà phân tích kinh tế. Microsoft sau đó đã đầu tư vào một nhà máy trị giá hơn 300 triệu USD ở Bắc Ninh, thông qua việc mua lại nhà máy của Nokia cho hoạt động mở rộng kinh doanh quan trọng tại Việt Nam. 

 Nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ chọn Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn

Thu hút 36,6 tỷ USD vốn FDI, giải ngân kỷ lục

Không ngạc nhiên với kết quả thu hút FDI năm nay bởi những gì đang diễn ra là “đúng tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị”, PGS-TS. Nguyễn Thượng Lãng (Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế) nhận định, mặc dù dòng vốn đầu tư thế giới vẫn có xu hướng chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục có lợi thế và tiềm năng lớn để thu hút vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ 4.0.

Điều này cho thấy sự hấp dẫn và an toàn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam rõ ràng ưu tiên cho ngành công nghệ. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư dự đoán chiến lược ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn.

Số liệu cập nhật do Cục Đầu tư nước ngoài công bố cho thấy, tính đến ngày 20/12/2023, thu hút FDI của Việt Nam tăng khá ngoạn mục, đạt gần 36,61 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 32,1% so với năm trước.

Cùng với đó, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước đến nay. Đặc biệt, trong tổng vốn đăng ký hơn 36,6 tỷ USD nêu trên, vốn đăng ký cấp mới đạt gần 20,2 tỷ USD, tăng hơn 62% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn và xuất khẩu giảm sút. 

Nga Nguyễn