Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2023. Trong đó, Chính phủ yêu cầu thúc đẩy mạnh các động lực về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu nhằm phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu các ngân hàng và dự án yếu kém.
Theo đó, Chính phủ giao cho Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2023 phải thực hiện xử lý xong ít nhất từ 2- 3 ngân hàng và dự án yếu kém.
Tại buổi tiếp ông Masahiko Kato, Chủ tịch ngân hàng Mizuho ngày 16/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị nhà băng này tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém của Việt Nam.
Theo Thủ tướng, Việt Nam đang thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, nhằm tăng chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính, ngân hàng. Trong quá trình này, Việt Nam khuyến khích các tổ chức tài chính, ngân hàng nước ngoài tham gia.
|
Chính phủ chỉ đạo xử lý xong ít nhất từ 2-3 ngân hàng yếu kém trong năm 2023. Ảnh: Báo Lao động |
Hiện nay, Việt Nam có 5 ngân hàng yếu kém đang trong diện bị kiểm soát đặc biệt, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongABank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022 sau khi nhóm lãnh đạo Vạn Thịnh Phát và SCB bị khởi tố, bắt giam dẫn tới làn sóng người dân rút tiền gửi đồng loạt. Ngân hàng Nhà nước đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB, để trình Chính phủ phê duyệt chủ trường.
|
SCB bị kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022 sau khi nhóm lãnh đạo Vạn Thịnh Phát và SCB bị khởi tố, bắt giam. Ảnh: Vnexpress |
Đầu tháng 5, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, trong đó có 3 ngân hàng thuộc diện mua bắt buộc 0 đồng (CBBank, OceanBank, GPBank) và DongABank.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc các nhà băng yếu kém (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) kéo dài, gặp khó khăn. Lý do là phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại, cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài.
Cùng với đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý ngân hàng yếu kém, xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài…
Hồi tháng 10, Kiểm toán Nhà nước cũng đánh giá tiến độ tái cơ cấu nhóm ngân hàng yếu kém này rất chậm, kéo dài từ năm 2015 đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm, khó tìm nhà đầu tư tự nguyện tham gia.
Đầu tháng 11, tại phiên họp Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, cơ quan này sẽ hoàn thiện đề án chi tiết tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.
Ngoài tài chính, Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Mizuho có chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.