Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 9/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ đã thông tin về nhiều nội dung điều hành quan trọng của Chính phủ, trong đó có các báo cáo giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025.

 Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 diễn ra chiều 9/9 tại Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tháng 8 và 8 tháng năm 2023, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Cụ thể, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần, CPI bình quân 8 tháng tăng 3,1% (so với bình quân 7 tháng là 3,12%, 6 tháng 3,29%, 5 tháng 3,55%, 4 tháng 3,84%; 3 tháng 4,18%; 2 tháng 4,6% và tháng 1 là 4,89%); thấp hơn mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%). Qua đó tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khoá thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế.

Tỉ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Thị trường chứng khoán hồi phục tích cực. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp lũy kế từ đầu năm đạt 132.000 tỷ đồng, trong đó trái phiếu riêng lẻ là 115.000 tỷ đồng.

Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán trong điều kiện phải thực hiện giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí (tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn khoảng 200.000 tỷ đồng; đến hết tháng 8 ước tính là 132.000 tỷ đồng). Nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt.

Xuất khẩu trong tháng 8 ghi nhận mức tăng 7,7% so với tháng 7, nhập khẩu tăng 5,7%; xuất siêu gần 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 207,5 tỷ USD; xuất siêu gần 20,2 tỷ USD.

Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, là điểm sáng và là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng đạt 33,21 tỷ USD, xuất siêu 6,72 tỷ USD.

Khu vực công nghiệp tiếp tục đà phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so cùng kỳ (tháng 7 tăng 2,3%), trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 3,5%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất trong tháng 8 đạt 50,5 điểm, thể hiện lĩnh vực sản xuất được mở rộng với số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.

 Người phát ngôn Chính phủ Trần Văn Sơn cung cấp thông tin tới báo chí - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng đạt 49,4% kế hoạch năm, tăng 23,1% so với cùng kỳ - cao hơn so với số giải ngân do thủ tục thanh toán. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan đẩy nhanh thủ tục thanh toán.

Tổng vốn FDI đăng ký đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ (trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 8,87 tỷ USD, tăng 69,5%; vốn đăng ký điều chỉnh đạt 4,54 tỷ USD, giảm 39,7% và vốn góp, mua cổ phần đạt 4,74 tỷ USD, tăng 62,8%). Tổng vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% và tăng dần qua hàng tháng.

Trả lời báo chí về mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2023 đạt 6,5% và khả năng đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công mà Thủ tướng yêu cầu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đầu tư công là động lực phát triển nên ngay từ đầu năm, Thủ tướng đã yêu cầu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn, tức hơn 676.000 tỷ đồng trong năm 2023. Sau 8 tháng đầu năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt 299.447,4 tỷ đồng, đạt 39,6% kế hoạch và đạt 42,3% kế hoạch Thủ tướng giao.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng năm 2023 đạt cao nhất – cao cả về số tương đối và số tuyệt đối. Đi kèm với số vốn tương đối lớn đó là danh mục dự án nhiều và quy mô lớn, đó cũng là niềm tin để Việt Nam đạt được mục tiêu cao trong giải ngân vốn đầu tư công cả năm nay.

Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là bên cạnh việc tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp Chính phủ đã đề ra trong các Nghị quyết về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng như Nghị quyết 105 của Chính phủ, điều quan trọng hơn cả chính là các cơ quan thực hiện vốn đầu tư công phải đẩy nhanh tiến độ và triển khai nhanh các thủ tục giải ngân vốn đầu tư công.

Hiện nay toàn bộ hệ thống phục vụ cho công tác giải ngân và thủ tục hành chính đã sẵn sàng; nếu có hồ sơ giải ngân sẽ chuyển tiền một cách nhanh nhất. Tuy nhiên việc này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều từ các cơ quan quản lý dự án, các nhà thầu. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tin tưởng mức 95% mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sẽ đạt được trong năm 2023.

Trước đó, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72% - thấp hơn nhiều so với các mục tiêu, kịch bản được đề ra trong các Nghị quyết 01 của Chính phủ, đã đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề cho các tháng cuối năm.

Ngay cuộc họp thường kỳ 6 tháng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105, trong đó đặt mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được kiểm soát tốt, chính sách tài khóa tiền tệ được thực hiện tốt. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung vào các giải pháp để thực hiện một cách đồng bộ.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có 3 động lực có thể tập trung đẩy mạnh phát triển gồm: nhu cầu phục hồi của khu vực dịch vụ; khu vực nông nghiệp – trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế; động lực từ thị trường trong nước.

Thủ tướng chỉ đạo phải kích thích thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam... nhằm tạo sức cầu lớn để giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất trong nước trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải nắm bắt tình hình, chắt chiu từng cơ hội để tăng thêm các đơn hàng quốc tế, tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo.

Hải Hà