Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) vừa có báo cáo kết quả chào bán trái phiếu ra thị trường Singapore. Cụ thể, tổng số trái phiếu chào bán là 1.250 trái phiếu, mệnh giá 200.000 USD/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị phát hành 250 triệu USD.

 Vingroup hoàn tất phát hành 250 triệu USD trái phiếu ở Singapore.

Đây là loại trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế bằng đồng đô la Mỹ (USD), không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và xác định nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Tổ Chức Phát Hành.

Lô trái phiếu này có thời hạn là 5 năm với lãi suất 10%/năm (dự kiến thanh toán lãi 3 tháng/lần). Sau đó, lô trái phiếu của Vingroup sẽ được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore. 

Theo Vingroup, tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu dự kiến sẽ được sử dụng cho các hoạt động tái cơ cấu dòng tiền như thanh toán các khoản phí, chi phí cho việc phát hành trái phiếu; cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của tổ chức phát hành.

Theo dữ liệu từ Chứng khoán Vietcap (VCSC), tính đến ngày 24/10, Vingroup đã huy động được khoảng 52.000 tỷ đồng, bao gồm 239 triệu USD mà VinFast thu được từ SPAC và khoản đầu tư từ nhà đầu tư chiến lược Gotion Inc; cùng khoản tài trợ từ Chủ tịch Phạm Nhật Vượng (7.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023).

Nguồn tiền thu từ kênh trái phiếu là 11.400 tỷ đồng trái phiếu trong nước phát hành trong 9 tháng đầu năm 2023 và các khoản vay ngân hàng.

Tính đến cuối quý 3/2023, tổng các khoản nợ vay đáo hạn trong vòng 12 tháng của Vingroup bao gồm khoản vay hạn mức tín dụng 32,5 nghìn tỷ đồng và trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay khác lên tới 62,7 nghìn tỷ đồng (trong đó 35% đã đạt thỏa thuận tái cấp vốn và 30% đang thảo luận để tái cấp vốn).

Trước áp lực cơ cấu tài chính, Tập đoàn đang tiếp tục tìm kiếm các phương án huy động vốn khác nhau bao gồm các đợt chào bán trái phiếu ra công chúng tiếp theo, kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế trước cuối quý 2/2024 và tài trợ của Chủ tịch HĐQT (bao gồm số tiền thu được ròng từ đợt bán cổ phiếu VFS sắp tới).

Liên quan đến thông tin VinFast Auto bị điều tra tại Mỹ, chiều 17/11, đại diện Vingroup đã lên tiếng bác bỏ tin đồn lan truyền trên mạng xã hội.

Trước đó, Bloomberg đăng thông báo của hai công ty Luật tư nhân ở Mỹ là Robbins Gelleer Rudman & Dowd và Pomerantz đang thu thập thông tin từ khách hàng để mở cuộc điều tra về khả năng vi phạm luật chứng khoán Mỹ của Công ty VinFast Auto của Vingroup.

Hai công ty trên kêu gọi nhà đầu tư cung cấp thông tin để làm rõ nghi vấn nhắm vào lãnh đạo cấp cao VinFast không thông báo các thông tin quan trọng hoặc có các tuyên bố gây ra hiểu nhầm tới nhà đầu tư.

Bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Vingroup kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách Pháp chế Công ty VinFast, cho biết: “VinFast luôn hướng tới việc công bố thông tin minh bạch tới nhà đầu tư tại thị trường. Hiện tại, VinFast vẫn đang hoạt động hoàn toàn bình thường tại Mỹ. Tuy nhiên, việc kiện tụng là hết sức bình thường, thường xuyên ở Mỹ nên chúng tôi luôn sẵn sàng đối diện với việc này từ khi quyết định triển khai các hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ”.

 Cổ phiếu phổ thông của VinFast được giao dịch ở mức 6,17 USD/cổ phiếu, giảm hơn 92%

Ngày 18/5, VinFast Auto đã chính thức đưa cổ phiếu VFS lên giao dịch trên sàn chứng khoán NASDAQ, thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư tài chính. Cổ phiếu VFS đã có màn chàn sàn ấn tượng khi tăng mạnh 40% ngay phiên đầu và kéo dài chuỗi ngày tăng miệt mài gấp 10 lần, sau đó đảo chiều giảm sâu. 

Trước diễn biến bất thường này, Robbins Geller đưa ra luận điểm điều tra: “Kể từ khi công bố hoàn tất việc hợp nhất kinh doanh, cổ phiếu phổ thông của VinFast đã được giao dịch ở mức cao tới 82,35 USD một cổ phiếu. Tính đến thời điểm đóng cửa ngày 15/11/2023, cổ phiếu phổ thông của VinFast được giao dịch ở mức 6,17 USD/cổ phiếu, giảm hơn 92%”.

Hải Hà