Tạo nền tảng cho kinh tế năm 2025

Tinh thần này được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng truyền đạt lại trong hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2024 của ngành kế hoạch đầu tư và thống kê. 

Bộ trưởng nhấn mạnh: Sáu tháng đầu năm 2024, mặc dù bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn đan xen những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế đã có bước phục hồi đáng kể, đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện và hoàn thành vượt kỳ vọng nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. 

Những kết quả này tạo thêm niềm tin và kỳ vọng, động lực mới để phấn đấu đạt cao hơn mục tiêu năm 2024 được Quốc hội đề ra, nhất là về tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, sáu tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6%, cao hơn so với cùng kỳ; các ngành kinh tế phát triển ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,7%; cân đối thu chi ngân sách được bảo đảm với tổng thu ngân sách đạt 61,7% dự toán năm (tăng 12,5% so với cùng kỳ), tổng chi ngân sách đạt 34% dự toán năm. 

“Đầu tàu” kinh tế này cũng ghi nhận sự phục hồi tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động đầu tư phát triển xã hội tăng khá, cao hơn cùng kỳ. 

Đáng lưu ý, giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về giá trị tuyệt đối, chỉ sau Bộ Giao thông vận tải. Tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh cũng đạt những kết quả tích cực trong sáu tháng qua: Tăng trưởng GRDP ước đạt 6,46%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10,34%… 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành kế hoạch và đầu tư cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và các ngành, lĩnh vực, địa phương.

 

5 khó khăn, thách thức lớn

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với 5 khó khăn, thách thức lớn, đó là áp lực tăng trưởng cả năm 2024 và năm 2025 gia tăng, năm sau phải phấn đấu cao hơn năm trước để đạt cao nhất kết quả kế hoạch 5 năm 2021-2025; diễn biến tình hình trong nước tiếp tục có nhiều yếu tố gây sức ép lên kiểm soát lạm phát, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô; tình hình sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, đầu tư tư nhân phục hồi chậm, sức mua tăng chậm, chi phí sản xuất tăng cao...; các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, bán dẫn... chưa có chuyển biến tích cực. 

Đáng lưu ý, thể chế, chính sách, quy định pháp luật còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ trong khi việc tổ chức thực thi chính sách pháp luật vẫn là khâu yếu, còn có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, vô cảm với công việc chung…

Để thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm, ông Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ, tham mưu cấp có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. 

Trong ba kịch bản điều hành, UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm ước đạt 7-7,5% và phấn đấu đạt mức 8% - cận dưới theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết HĐND thành phố. 

Là tỉnh đứng thứ ba cả nước về tốc độ tăng GRDP sáu tháng đầu năm (tăng 11,5%), lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết địa phương này đang tập trung rà soát, đánh giá các nhiệm vụ còn lại của sáu tháng cuối năm 2024 theo hướng tiếp tục phấn đấu đạt mức cao nhất đối với các mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt kết quả tích cực. 

Đối với những mục tiêu, chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện có hiệu quả các giải pháp khả thi, có tính đột phá để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra.

Với vai trò là “kiến trúc sư trưởng” của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo để rà soát các vướng mắc, điểm nghẽn ở cấp độ luật, xây dựng một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ; nghiên cứu mở rộng áp dụng các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù; cơ chế tháo gỡ cho các doanh nghiệp, dự án tại một số địa phương đã phát huy hiệu quả.

Bộ cũng chủ động tham mưu và đang xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật PPP theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội.

Hoài Anh/ Theo Báo Nhân dân