Kết luận hội nghị trực tuyến chiều 6/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phát triển nhà ở xã hội là một động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng đầu tư, tiêu dùng, bảo đảm an sinh. Do đó, ông yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các địa phương phải thành lập Ban chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội.

Để huy động nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu thành lập Quỹ nhà ở quốc gia. Theo đó, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc được giao chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thành trong tháng 3.

Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội vào 2030. Song đến nay, chỉ 103 dự án được hoàn thành với quy mô hơn 66.755 căn, chưa bằng 7% mục tiêu đề ra. Còn lại 137 dự án đã khởi công (114.618 căn) và khoảng 415 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư (412.200 căn).
Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc tới Việt Nam cần lập "Quỹ nhà ở quốc gia" để phát triển nhà giá rẻ tại đô thị lớn. Đây cũng là giải pháp để thúc đẩy đô thị trở thành động lực tăng trưởng quốc gia.

Hiện chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã được đưa vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo Chỉ thị 34 của Ban Bí thư. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay có 10 địa phương thực hiện việc này. Khoảng 30 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, với gần 9.740 ha đất cho phát triển phân khúc nhà này.

Song thủ tục, thời gian để phát triển một dự án nhà ở xã hội thường kéo dài, khiến tiến độ còn chậm. Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) kiến nghị Chính phủ có cơ chế ưu tiên phát triển các dự án nhà ở xã hội qua việc rút ngắn trình tự, thời gian lựa chọn nhà đầu tư.

Theo ông, nhà điều hành nên áp dụng chỉ định thầu với các dự án đã có nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện. Các nhà đầu tư có thể xếp hạng theo thang điểm đánh giá hồ sơ năng lực, kinh nghiệm hoặc quy mô dự án.

 

Việc phát triển nhà xã hội, theo Thủ tướng, đã được bàn nhiều nhưng triển khai chưa hiệu quả. Ông nêu vấn đề, các doanh nghiệp chưa làm, liệu có phải "do chính quyền chưa dám giao việc".

Thủ tướng cho rằng có thể giao dự án trực tiếp cho doanh nghiệp, không cần qua đấu thầu, miễn đảm bảo công khai, minh bạch, không "quân xanh, quân đỏ". "Có thể chỉ định thầu đồng bộ giữa dự án nhà ở xã hội và hạ tầng, quan trọng phải phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, nhà ở xã hội không có nghĩa là làm ở những chỗ đất "đầu thừa đuôi thẹo, khỉ ho cò gáy, không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội". Ông yêu cầu phải ưu tiên nhà ở xã hội trước rồi mới đến nhà ở thương mại.

Ngoài ra, Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính trong năm 2025 để rút ngắn thời gian thực hiện. Bởi theo Thủ tướng, người có nhu cầu "phải chờ 5, 10 năm mới có nhà ở xã hội thì không có tác dụng nhiều".

Ông giao Bộ Xây dựng rà soát thể chế, quy trình, thủ tục để có chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Việc này phải trình Thủ tướng trong tháng 3, chậm nhất tháng 4. Bộ này cũng cần rà soát lại tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức liên quan nhà ở xã hội như chiều cao, vật liệu xây dựng...

Các địa phương được giao điều chỉnh quy hoạch trong quý II. Họ cũng cần có kế hoạch, chủ động giao đất cho các chủ đầu tư; nghiên cứu thu hồi các dự án lãng phí, khu đất bỏ hoang nhiều năm để làm nhà ở xã hội.

Bảo Linh