Các mảng kinh doanh chính ảm đạm
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank, mã: BAB) là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 3/2023, tuy nhiên kết quả kinh doanh lại gây thất vọng cho cổ đông, nhà đầu tư.
Cụ thể, trong quý 3/2023, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi chỉ đạt 426,2 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là mức lãi thuần thấp nhất trong 4 năm qua của Bac A Bank- ngân hàng có mối liên hệ mật thiết với Tập đoàn TH của doanh nhân Thái Hương.
|
Hoạt động kinh doanh của Bac A Bank đi xuống và trích dự phòng nợ xấu cao nên lợi nhuận “bốc hơi” hơn 73% |
Các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng đều ghi nhận kết quả không mấy khả quan.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 2%, chỉ đạt 23,2 tỷ đồng.
Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 13,3 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước, song luỹ kế 9 tháng vẫn tăng 83%.
Lãi thuần từ hoạt động khác đạt 2,6 tỷ đồng trong khi quý 2/2022 ghi nhận 82,4 tỷ đồng, tức giảm 97%.
Điểm sáng quý 3 là hoạt động kinh doanh ngoại hối thu về lãi thuần 35,1 tỷ đồng, tăng 1.850% so với quý 3/2022.
Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý 3/2023 của Bac A Bank mới đạt 105,2 tỷ đồng, giảm tới 66% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng đã giảm được 13% chi phí hoạt động và đã trích gần 34 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi được hoàn nhập gần 6 tỷ đồng.
Kết quả là, lợi nhuận trước thuế quý 3 chỉ đạt 77,1 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức lãi quý thấp nhất của Bac A Bank trong vòng 8 năm qua, kể từ quý 1/2016.
Luỹ kế 9 tháng của năm nay, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần 1.645 tỷ đồng, giảm 1%. Lợi nhuận luỹ kế đạt 551,2 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, và lãi sau thuế còn 444,14 tỷ đồng.
Như vậy, so với mục tiêu lãi sau thuế 880 tỷ đồng cho cả năm 2023, Bac A Bank mới thực hiện được 50% kế hoạch sau 9 tháng.
|
Nguồn: Báo cáo tài chính Bac A Bank |
Báo cáo tài chính Quý 3 cho thấy, tính đến 30/9/202, tổng tài sản của Bac A Bank đạt 145.000 tỷ đồng, tăng 12,6% so với đầu năm.
Lượng tiền gửi khách hàng cũng tăng 18,2% lên hơn 114.585 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tín dụng tăng trưởng ở mức thấp 4,8%, tương ứng dư nợ cho vay khách hàng là 97.542 tỷ đồng.
Ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro lên tới 1.099 tỷ đồng.
Dư nợ xấu của Bac A Bank cũng tăng 48,4% so với hồi đầu năm lên tới 762 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,78% dư nợ cho vay.
|
Nợ xấu tiếp tục gia tăng trong quý 3/2023. Nguồn: BCTC của Bac A Bank |
Xét về cơ cấu nợ xấu, báo cáo Quý 3 ghi nhận nợ dưới tiêu chuẩn (nợ xấu nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ xấu nhóm 4) của Bac A Bank tăng mạnh 245% và 289% so với cuối năm 2022, lần lượt lên 145 tỷ đồng và 193 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn hơn 426 tỷ đồng…
Áp lực hút vốn nghìn tỷ từ kênh trái phiếu
Đáng chú ý, trong quý 3, lưu chuyển tiền thuần của Bac A Bank đang âm 1.938 tỷ đồng.
Trong đó, dòng tiền kinh doanh đang âm 1.964 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư âm 294 tỷ đồng, chỉ có dòng tiền tài chính là 321 tỷ đồng.
Điều này phản ánh áp lực căng thẳng về cân đối dòng tiền kinh doanh trong ngân hàng.
Đến cuối kỳ, tiền và các khoản tương đương tiền của Bac A Bank ở mức 10.598 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,04% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi các mảng kinh doanh chính khó khăn thì hoạt động cơ cấu nguồn vốn của Bac A Bank lại sôi động với các đợt phát hành trái phiếu quy mô nghìn tỷ.
Theo kế hoạch công bố, năm 2022, ngân hàng sẽ thực hiện 4 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị chào bán theo mệnh giá lên tới 4.000 tỷ đồng.
Đây là loại trái phiếu “3 không” tức là không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, được tính vào vốn cấp 2 của Tổ chức Phát hành.
Tuy nhiên, năm 2022 hoạt động phát hành ế ẩm do thị trường trái phiếu bị ảnh hưởng bởi các sự vụ tiêu cực, nên Bac A Bank chỉ phát hành được số lượng khiêm tốn.
Đến cuối tháng 1/2023, ngân hàng khởi động lại việc phát hành trái phiếu đợt 2 với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, gồm 3 lô trái phiếu ký hiệu BAB202202-07L (kỳ hạn 07 năm), BAB202202-07C (kỳ hạn 07 năm) và BAB202202-08C (kỳ hạn 08 năm).
Ngân hàng không công bố lãi suất cụ thể mà chỉ nêu “lãi suất linh hoạt tối ưu” và trả lãi định kỳ 12 tháng/lần.
Điểm chú ý là Bac A Bank cho phép khách hàng thực hiện vay cầm cố trái phiếu với lãi suất cạnh tranh khi phát sinh nhu cầu vốn.
Tiếp đó, đến cuối tháng 9/2023, Bac A Bank lại chào bán trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng.
Các lô trái phiếu này có ký hiệu BAB202203-07L, BAB202203-07C (kỳ hạn 7 năm) và BAB202203-08C (kỳ hạn 8 năm), dự kiến thời gian mua lại trái phiếu là 18, 24 và 36 tháng kể từ ngày phát hành. Ngân hàng đưa ra mức lãi suất trái phiếu cao hơn so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
Thời điểm Bac A Bank chào bán 3 lô trái phiếu giá trị 3.000 tỷ đồng này chỉ cách 2 tháng sau khi chính ngân hàng vừa mua lại các trái phiếu cũ với giá trị 3.200 tỷ đồng.
Sự gấp gáp trong việc phát hành trái phiếu mới này dấy lên nghi vấn về hoạt động “đảo nợ” cũ để bù đắp kịp thời cho nguồn vốn bị thiếu hụt hoặc phải thanh toán nợ trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư.
Trên các báo cáo tài chính bán niên 2023 và quý 3/2023, Bac A Bank không thuyết minh cụ thể danh tính các nhà đầu tư mua trái phiếu (3 đợt với tổng giá trị 5.500 tỷ đồng).
Sau khi phát hành trái phiếu, ngân hàng cũng không cho biết kết quả sử dụng nguồn vốn huy động này ra sao, có đúng mục đích không, có đánh giá khả năng hoàn trả vốn cho trái chủ không?
Điều khó lý giải là vì sao Bac A Bank dồn dập huy động hàng nghìn tỷ đồng qua kênh chào bán những lô trái phiếu “3 không” dù hiểu rõ rủi ro tiềm ẩn khó hoàn trả vốn cho nhà đầu tư nếu tổ chức phát hành kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ, nợ xấu lớn? Bài học nhãn tiền từ các phi vụ phát hành trái phiếu “3 không” của nhóm liên minh SCB-Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh dẫn tới mất khả năng thanh toán vẫn còn nóng hổi…