Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã: PHC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023, cho thấy một năm kinh doanh bết bát của doanh nghiệp xây dựng lớn.
Năm qua, công ty này gây chú ý khi là nằm trong liên danh VIETUR trúng thầu gói thầu 5.10 – là gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 35.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không lâu sau khi trúng gói thầu lớn, Phục Hưng Holdings lại cho thấy “sức khoẻ” tài chính có vấn đề, quy mô nợ lớn, cơ cấu vốn mất cân đối, thiếu hụt dòng tiền kinh doanh… Đặc biệt, kết quả kinh doanh ngày càng bết bát, lợi nhuận đạt rất thấp.
|
Phục Hưng Holdings lại cho thấy “sức khoẻ” tài chính có vấn đề, kinh doanh bết bát. |
Trong quý 4/2023, Phục Hưng Holdings ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 628 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, đây vẫn là quý kinh doanh tốt nhất có doanh thu cao thứ 2 trong vòng 14 quý trở lại đây.
Lợi nhuận gộp bất ngờ tăng 62% so với cùng kỳ, đạt 39 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 6,27%.
Trong kỳ, công ty chỉ có vỏn vẹn 800 triệu đồng doanh thu tài chính. Song các chi phí tài chính tăng 20%, lên 18 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 5%, lên 17 tỷ đồng cùng với khoản lỗ khác 3 tỷ đồng. Do đó, công ty chỉ có lãi trước thuế 2,8 tỷ đồng, và lãi sau thuế 2,4 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, Phục Hưng Holdings ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.807 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 135 tỷ đồng, tăng 16%.
Sau khi trừ các chi phí và lỗ khác, công ty chỉ còn lại lợi nhuận trước thuế 11,5 tỷ đồng, lãi sau thuế còn 8,5 tỷ đồng, giảm 57% so với năm trước.
Có thể thấy, 2023 là năm kinh doanh bết bát nhất của PHC trong vòng một thập kỷ qua, và liên tục duy trì kết quả kinh doanh lẹt đẹt kể từ năm 2020 bùng phát đại dịch covid-19 đến nay.
Trước đó, Phục Hưng Holdings đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 khá thấp chỉ với doanh thu 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 51 tỷ đồng. Kết quả là công ty đã vỡ kế hoạch khi chỉ thực hiện được 90% doanh thu, và 17% lợi nhuận đề ra với số lãi rất thấp.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Phục Hưng Holdings tăng 17% so với đầu năm, lên tới 3.171 tỷ đồng. Tuy quy mô tài sản tăng lên nhưng nhìn vào cơ cấu tài sản, cho thấy sự “chênh vênh” dòng tiền của doanh nghiệp này. Lượng tiền đến cuối năm 2023 có hơn 160 tỷ đồng, và hơn 52 tỷ đồng là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.
Các khoản phải thu ngắn hạn tăng lên 1.606 tỷ đồng, chiếm tới hơn 50% tổng tài sản của PHC. Trong đó chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng, chiếm tới 1.238 tỷ đồng. Hàng tồn kho đến cuối năm tăng nhẹ lên 642 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng tài sản của công ty này.
|
Các khoản phải thu ngắn hạn của Phục Hưng Holdings tăng lên 1.606 tỷ đồng. Nguồn: Báo cáo tài chính |
Trong khi đó, quy mô nợ phải trả của Phục Hưng Holdings tăng 22% so với đầu năm, lên tới 2.502 tỷ đồng. Trong năm qua, công ty này đang ghi nhận Nợ vay và thuê tài chính lên tới 1.426 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước.
Báo cáo cho thấy, công ty tiếp tục gia tăng vay nợ ngân hàng, đang vay nợ lớn nhất tại Ngân hàng BIDV- Chi nhánh Đông Đô với dư nợ hơn 1.272 tỷ đồng.
|
Phục Hưng Holdings tăng nợ vay tại Ngân hàng BIDV- Chi nhánh Đông Đô với dư nợ hơn 1.272 tỷ đồng. |
Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Phục Hưng Holdings tăng nhẹ lên 669 tỷ đồng.
Đáng lo ngại là hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng mạnh lên tới 4,73 lần, cho thấy rủi ro về khả năng mất cân đối tài chính và là điểm bất lợi khiến công ty khó có thể tham gia các gói thầu lớn.
Báo cáo cũng cho thấy, lưu chuyển dòng tiền kinh doanh trong năm 2023 bị âm tới 143 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải thu và trả tiền lãi vay.
Lưu chuyển dòng tiền đầu tư cũng âm gần 103 tỷ đồng do PHC chi tiền cho vay, mua các công cụ nợ khác, chi tiền góp vốn vào đơn vị khác...
Năm qua, công ty hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn tiền vay với số tiền vay được hơn 1.678 tỷ đồng. Song công ty đã phải chi trả nợ hơn 1.324 tỷ đồng nợ gốc vay.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PHC giảm mạnh xuống đáy quanh 5.000-.6000 đồng/CP do chịu ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh bết bát trong 4 năm qua 2020-2023 với số lợi nhuận “đi lùi”, không hoàn thành kế hoạch đề ra.
Điểm sáng là vào giữa năm 2023, nhờ có thông tin trúng thầu sân bay Long Thành mà PHC là thành viên trong liên danh VIETUR, cổ phiếu PHC đã có nhịp hồi phục tăng mạnh hơn 130%, lên mức đỉnh 11.400 đồng/CP. Sau đó cổ phiếu “quay xe” giảm sâu, mất tới 41% thị giá chỉ trong vòng 3 tháng.
Trong sóng tăng mạnh của cổ phiếu PHC, các lãnh đạo và người nhà công ty đã liên tục bán ra cổ phiếu PHC ở vùng giá cao.
Đơn cử, ông Đỗ Nguyên An, Thành viên HĐQT Phục Hưng Holdings bán ra 300.000 cổ phiếu PHC hồi tháng 8/2023, ước tính thu về hơn 3 tỷ đồng và giả sở hữu xuống còn 0,91% vốn điều lệ.
Vợ chồng ông Trần Huy Tưởng - Thành viên HĐQT đã giao dịch mua – bán thỏa thuận 933.000 cổ phiếu PHC trong tháng 8/2023. Sau giao dịch, ông Trần Huy Tưởng giảm sở hữu tại PHC còn 934.370 cổ phiếu, tỷ lệ 1,84%; còn bà Hạnh Dung nâng sở hữu từ 0% lên 933.000 cổ phiếu PHC, tỷ lệ 1,84%.
Các lãnh đạo PHC đã nhanh chóng chốt lời cổ phiếu này ở vùng giá đỉnh, sau đó cổ phiếu này bất ngờ giảm mạnh, chia đôi từ đỉnh giá khiến nhiều nhà đầu tư chịu thiệt hại thua lỗ lớn.