Bữa cơm ngày Tết của cặp vợ chồng trẻ N.V.Hưng và L.T.Mai luôn trong tình trạng căng thẳng bởi câu chuyện có nên đi Nhật Bản lần thứ 2.
Ba năm trước, Hưng và Mai quen nhau tại “Xứ sở mặt trời mọc”.
Hưng khi đó là cậu trai trẻ 24 tuổi, lần đầu xa quê hương lập nghiệp.
Mai cũng vừa bước qua tuổi đôi mươi.
Thay vì lựa chọn ở Việt Nam học Đại học, Mai quyết định xa quê, chọn Nhật Bản là mảnh đất gửi gắm tương lai.
Tại nơi đất khách quê người, Hưng và Mai bén duyên, yêu nhau và hẹn ước sẽ tổ chức đám cưới sau 3 năm, khi trở về Việt Nam.
Đôi bạn trẻ cứ thế cùng nhau trải qua 3 năm vất vả, khó khăn tại Nhật Bản.
“Có những tháng ngày đại dịch COVID, chúng em ở nhà và nhớ Việt Nam vô cùng.
Thời điểm đó, mong ước duy nhất của em là được gặp Mai, cùng trở về quê để làm đám cưới.
Em tự nhủ bản thân nếu về nước sẽ không bao giờ đi làm ăn xa.
Ba năm tại Nhật Bản cho em nhiều trải nghiệm, niềm vui cũng là ba năm đầy mồ hôi và nước mắt.
Khi đi xa em mới nhận thấy không đâu bằng quê hương của mình”, Hưng chia sẻ.
|
Xuất khẩu lao động đang là sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ |
Đúng lời hẹn ước, đôi bạn trẻ trở về Việt Nam. Một đám cưới nhỏ, ấm cúng được tổ chức là cái kết đẹp của chuyện tình này.
Những tưởng cuộc sống của đôi bạn trẻ sẽ trải qua trong bình yên và hạnh phúc, bù đắp những tháng ngày vất vả nơi xứ người thì biến cố ập đến.
Mai do tham gia đầu tư bất động sản, chứng khoán nên đã thua nợ hết số tiền cả hai dành dụm sau 3 năm đi Nhật Bản.
Hai vợ chồng lại rơi vào tình cảnh hai bàn tay trắng.
Về Việt Nam sau 3 năm, Hưng cũng khó tìm được một công việc ưng ý với mức lương cao.
Trong khi đó Mai cũng chỉ xin được làm công nhân tại khu công nghiệp gần nhà do chỉ tốt nghiệp hết cấp 3.
Hai vợ chồng một tháng thu nhập trên dưới 20 triệu đồng. Hưng cho rằng như vậy là ổn, còn Mai lại nghĩ đó là chưa đủ.
“Trở về Việt Nam có nhiều cái khiến em cảm thấy khó hoà nhập từ nếp sống, môi trường cho đến công việc. Có lẽ là do em đã quen với cách sống và môi trường bên Nhật Bản.
Bên cạnh đó vấn đề làm gì để có thu nhập cũng khiến em cảm thấy đau đầu.
Trước đây hai vợ chồng em ở Nhật Bản, nếu chịu khó làm việc và tiết kiệm một tháng có thể để dành ra khoảng 50-70 triệu đồng.
Tuy nhiên ở Việt Nam để đạt được con số đó là gần như không thể.
Em rất muốn đi Nhật khoảng 5 năm nữa.
Khi tiết kiệm một khoản nho nhỏ, vợ chồng em sẽ về Việt Nam mua một chiếc ô tô để anh Hưng chạy dịch vụ hoặc mở một quán ăn nho nhỏ”, Mai chia sẻ.
Trong khi đó, Hưng kịch liệt phản đối ý tưởng này. Chàng trai trẻ cho biết, 3 năm đánh đổi thanh xuân tại Nhật Bản là quá đủ cho một ý tưởng trở về nơi đây lần thứ 2.
“Bố mẹ hai nhà đồng ý cho bọn em một miếng đất để bán lấy vốn làm ăn. Với số vốn đó cộng với thu nhập hai vợ chồng đi làm em nghĩ ở quê là đủ để sống khá giả. Nếu bây giờ quay trở về Nhật thì ai sẽ phụng dưỡng bố mẹ.
Chưa kể bọn em sẽ phải gác lại kế hoạch sinh con vì chi phí nuôi trẻ bên đấy rất tốn kém.
Vợ chồng em cũng không thể nào vừa đi làm vừa trông con được. Trong khi ở Việt Nam còn có bố mẹ, anh em, bạn bè giúp đỡ. Cho nên em không đồng tình với việc quay trở lại Nhật Bản”, Hưng nói.
|
Nhiều cặp đôi đã không thể vượt qua những khó khăn khi trở về Việt Nam |
Câu chuyện này khiến bữa cơm gia đình của Hưng và Mai thêm một lần nữa lại căng thẳng.
Đây cũng là vấn đề thường gặp của các đôi bạn trẻ sau khi đi xuất khẩu lao động và trở về Việt Nam.
Theo thống kê, trong năm 2023, Việt Nam đã đưa được hơn 146.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 121,8% kế hoạch năm 2023. Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu về việc tiếp nhận lao động Việt Nam...
Xuất khẩu lao động đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn và coi đó là cơ hội thoát nghèo, đem đến nhiều cơ hội.
Tuy nhiên, sau khi trở về nước, nhiều bạn trẻ lại gặp khó khăn trong việc hoà nhập, cũng như tìm kiếm việc làm tại Việt Nam.
Đây cũng là vấn đề đáng lưu ý đối với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.