Tại phiên họp Chính phủ ngày 6/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết 6 tháng đầu năm, kinh tế phục hồi, tháng, quý sau cao hơn tháng, quý trước. So với cùng kỳ và 6 tháng cuối năm 2023, hầu hết lĩnh vực đều tốt hơn.
Thủ tướng dẫn tăng trưởng GDP quý II đạt 6,93%, 6 tháng là 6,42%. Mức này vượt kịch bản đề ra, cao của khu vực và thế giới. Cùng đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát khoảng 4%. Các cân đối lớn được bảo đảm, cả nước tiết kiệm khoảng 700.000 tỷ đồng để tăng lương từ ngày 1/7.
Thủ tướng cho rằng tình hình kinh tế - xã hội còn những tồn tại như sức ép lạm phát cao; một số lĩnh vực còn khó khăn; kỷ luật, kỷ cương có nơi, lúc chưa nghiêm, còn cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Ông đề nghị các thành viên Chính phủ phân tích sâu, chỉ rõ điểm nghẽn, nhất là vướng mắc về pháp lý. Từ đó, Chính phủ có giải pháp phù hợp, khả thi cho thời gian tới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh hơn, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu 6,5% do Quốc hội đề ra.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ |
Dự báo cho cả năm, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cập nhật hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay.
Kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, mức cao nhất trong mục tiêu Quốc hội đề ra. Với kịch bản này, tăng trưởng quý III là 6,5%, quý IV là 6,6%.
Kịch bản thứ 2, tăng trưởng cả năm đạt 7%. Theo đó, GDP quý III tăng 7,4%, quý IV là 7,6%, cao hơn kịch bản hồi tháng 4 lần lượt 0,7% và 0,6%.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5 - 7%, phấn đấu đạt mức cao 7%. Nhưng để đạt tăng trưởng cao nhất, điều kiện là các luật, nghị quyết, văn bản hướng dẫn cần sớm được áp dụng, gồm các luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở có hiệu lực từ 1/8.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu tăng trưởng GDP quý III từ 6,5-7%, cả năm đạt mức cao nhất kế hoạch và giữ đà phát triển cho năm 2025.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, tập trung tháo gỡ về pháp lý, cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư.Ông lưu ý điều hành chính sách tài khóa đồng bộ với chính sách tiền tệ, điều tiết tỷ giá, mặt bằng lãi suất phù hợp, tăng tiếp cận vốn tín dụng.
Các cơ quan quản lý cũng phải giữ ổn định thị trường ngoại tệ, vàng; tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách, sử dụng hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế, nhất là thương mại điện tử. Cùng đó, chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất cần tiếp tục thực hiện.