Đó là khẳng định của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại cuộc họp báo Quý 1/2024 của Ngân hàng Nhà nước.

Tỉ giá tăng 4,9% so với đầu năm

Thông tin tại họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong 3 tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước luôn theo sát diễn biến, điều hành tỉ giá trung tâm linh hoạt, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu. 

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới có nhiều biến động, khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao, kể cả các nước có nền kinh tế mạnh, dao động từ trên 3% đến gần 9%. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, tỉ giá tăng 4,9% so với đầu năm.

Theo ông Đào Minh Tú, năm qua Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất trong bối cảnh thế giới tăng lãi suất. Ngoài lí do cầu ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất là yếu tố góp phần khiến tỉ giá tăng thời gian qua, có yếu tố tâm lý muốn găm giữ USD. 

"Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp nếu tỉ giá có diễn biến bất lợi, kể cả ngay hôm nay. 

Dự trữ ngoại hối những năm qua bảo đảm được khi nhà điều hành muốn can thiệp thị trường", Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định. 

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay: Nhờ điều hành tỉ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá.

"Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỉ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD", Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin. 

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đến cuối năm ngoái, dự trữ ngoại hối của Việt Nam khoảng 100 tỷ USD.

 Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trao đổi thông tin tại Họp báo - Ảnh: VGP/HT

Ngân hàng Nhà nước đã bán can thiệp tỉ giá

Tại cuộc họp báo Quý 1/2024 của Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết thêm, để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp quản lý sự biến động của đồng tiền VND cũng như giữ ổn định thị trường ngoại tệ. 

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước theo rất sát diễn biến tỉ giá của đồng VND với các đồng tiền khác trên thế giới để có các biện pháp giải tỏa áp lực trên thị trường ngoại tệ, đối với tỉ giá.

Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng, kịp thời, trung hòa lượng tiền VND khá dư thừa trên thị trường liên ngân hàng để giảm áp lực đối với USD thông qua việc phát hành tín phiếu để hút bớt lượng tiền VND dư thừa. Qua đó, tỉ giá biến động trong ngưỡng cho phép. 

Ông Phạm Chí Quang lí giải: Tỷ giá tăng rất nhanh do nhu cầu mua ngoại tệ rất lớn, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sắt thép, xăng dầu sản xuất tăng cao. Song, điều này tạo áp lực rẩt lớn lên thị trường ngoại tệ. 

Để phòng ngừa rủi ro tỉ giá, doanh nghiệp có xu hướng tăng đột biến mua ngoại tệ kỳ hạn, dẫn đến cầu ngoại tệ trong tương lai chuyển sang hiện tại. 

Bên cạnh đó, ông Phạm Chí Quang cho hay: Trên thế giới, chỉ số đồng USD (DXY) trở lại mốc 106 điểm, lần đầu sau 6 tháng. Nguyên nhân từ lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể kéo dài thời gian hạ lãi suất, trái với kỳ vọng của nhà đầu tư. 

"Với áp lực này, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp mạnh mẽ hơn, cụ thể, ngày 19/4, trên website của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi công bố công khai phương án việc bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm sang trạng thái ngoại tệ bằng 0 với mức giá 25.450 đồng. Đây là biện pháp can thiệp rất mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm giải tỏa tâm lý trên thị trường, khơi thông nguồn cung thị trường, thanh khoản thị trường ngoại tệ thông suốt, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế", ông Phạm Chí Quang khẳng định.

Ông Phạm Chí Quang nhận định: Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giải pháp này, tâm lý thị trường ổn định, các giao dịch ngoại tệ dưới mức bán ra của Ngân hàng Nhà nước. 

"Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo sát diễn biến thị trường để có các biện pháp bình ổn thị trường, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như kiểm soát lạm phát", ông Phạm Chí Quang nói. 

Tại hội nghị nhà đầu tư cuối mới đây, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối Đầu tư của Dragon Capital cho hay: Tuy biến động mạnh, thống kê của Dragon Capital vẫn chỉ ra VND đang mất giá chậm hơn so với nhiều đồng tiền trong khu vực. 

Từ đầu năm đến nay, biên độ giảm của tiền đồng thấp hơn tiền tệ của Đài Loan-Trung Quốc (6,4%), Thái Lan (7,5%), Hàn Quốc (8,3%) và Nhật Bản (9,4%).

Thu Thuỷ