Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước đạt 3,8 triệu tỉ đồng, tăng 4% so với năm 2021. Vốn nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước là 1,69 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với năm 2021.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước năm 2022 đạt 2,6 triệu tỉ đồng, tăng 29% so với năm 2021. Lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp nhà nước tính đến cuối năm 2022 đạt 241.165 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2021.
Đáng chú ý, có 64/676 doanh nghiệp có phát sinh lỗ 29.456 tỉ đồng; 144/676 doanh nghiệp (chiếm 21% tổng số doanh nghiệp nhà nước) có tổng số lỗ lũy kế là 69.892 tỉ đồng. Các doanh nghiệp nhà nước có nợ phải trả là 1,98 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước là 689.534 tỉ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 67.403 tỉ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023.
Tổng lỗ phát sinh của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước là 33.639 tỉ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các doanh nghiệp trung ương như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ phát sinh 32.055 tỉ đồng, Tổng công ty Hàng không lỗ phát sinh 1.317 tỉ đồng.
|
Khu vực Doanh nghiệp Nhà nước đạt được nhiều thành tích khích lệ |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 1,41 triệu tỉ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng lãi phát sinh trước thuế ước đạt 117.388 tỉ đồng; lỗ phát sinh ước đạt 41.666 tỉ đồng, chủ yếu đến từ doanh nghiệp trung ương gồm EVN: 37.062 tỉ đồng; Tổng công ty Hàng không Việt Nam: 4.515 tỉ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá các doanh nghiệp nhà nước hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước cơ bản được ổn định, tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động thua lỗ. Hiệu quả đầu tư chưa đạt như kỳ vọng, một số dự án có lỗ lũy kế lớn. Việc xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả chưa được giải quyết triệt để...
Bộ cho rằng các doanh nghiệp nhà nước cần sớm hoàn thiện, trình các cấp về kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư. Chủ động nghiên cứu xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực mới; bảo đảm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, các cân đối lớn, thực hiện tốt đầu tư xây dựng.