Tại hội thảo ngày 12/9, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, đây sẽ là khu kinh tế ven biển thứ hai của TP. Hải Phòng, sau Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được thành lập năm 2008.

Khu kinh tế (KKT) mới dự kiến sẽ quy hoạch tại các quận, huyện: Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Đồ Sơn. Quy mô khu vực dự án là khoảng 20.000 ha, nhằm kết nối với đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và sân bay Tiên Lãng dự kiến sẽ hình thành trong tương lai.

Mục tiêu phát triển khu vực cảng và logistics Nam Đồ Sơn, khu vực dịch vụ logistics, công nghiệp, sân bay Tiên Lãng. Đồng thời, nghiên cứu lồng ghép phát triển khu thương mại tự do trong quá trình nghiên cứu thành lập KKT mới.

 Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng

Trong đó, tại huyện Kiến Thụy sẽ gồm toàn bộ xã Đoàn Xá, Tân Trào, một phần xã Đại Hợp, Tú Sơn, Kiến Quốc, Ngũ Phúc; Huyện An Lão: một phần xã An Thọ, Chiến Thắng; Huyện Tiên Lãng: toàn bộ xã Vinh Quang, Tiên Hưng, Hùng Thắng, Đông Hưng, Tây Hưng, Nam Hưng, Bắc Hưng, một phần xã Tiên Thắng, Tiên Minh; Huyện Vĩnh Bảo: toàn bộ xã Trấn Dương, Hòa Bình, Vĩnh Tiến, Cổ Am; Quận Đồ Sơn: một phần phường Bàng La.

Tại Khu kinh tế mới dự kiến thành lập đã có một số khu công nghiệp (KCN) được xác định trong quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đó là, KCN Tân Trào (500 - 550 ha), KCN Ngũ Phúc (450 - 500 ha), KCN Tiên Lãng 1 (600 - 700 ha), KCN Tiên Lãng 2 (500 - 550 ha), KCN sân bay Tiên Lãng (450 - 500 ha), khu vực phát triển công nghiệp Trấn Dương – Hòa Bình (800 - 900 ha) hiện nay đều đang trong quá trình nghiên cứu quy hoạch, chưa thực hiện các thủ tục để thành lập.

 Đề xuất phương án Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng với quy mô lên tới 20.000 ha

Theo Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, với cơ sở hạ tầng kết nối đồng bộ, cùng những chính sách ưu đãi KKT Đình Vũ- Cát Hải, TP Hải Phòng đã trở thành một trong những trọng điểm thu hút vốn FDI, triển khai các dự án và tạo việc làm, nguồn thu nhập… Hiện, KKT Đình Vũ – Cát Hải đã thu hút gần 31 tỷ USD (301 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 19,3 tỷ USD và 168 dự án trong nước với tổng vốn gần 300.000 tỷ đồng), tổng số lao động khoảng 200.000 người; trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như Tập đoàn LG, Pegatron, Regina Miracle, Fujifilm, Kyocera... và một số nhà đầu tư trong nước như Vinfast, Geleximco, Xuân Cầu...

Về hoạt động thu hút đầu tư Khu công nghiệp (KCN), Ban quản lý KKT Hải Phòng cho biết, trên địa bàn Hải Phòng hiện có 14 KCN được thành lập với tổng diện tích 6.100 ha với tỷ lệ lấp đầy đạt 63,8%. Phần lớn diện tích chưa thu hút đầu tư đang trong giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng, san lấp, lấn biển.

Thời gian qua, các KCN, KKT trên địa bàn đã thu hút 688 dự án đầu tư với tổng vốn lên tới 36,32 tỷ USD; bao gồm 473 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 22,39 tỷ USD và 216 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 13,93 tỷ USD.

Điển hình là các dự án lớn đầu tư vào KKT, KCN Hải Phòng như: Tổ hợp dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn 9,24 tỷ USD; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư 175.000 tỷ đồng (tương đương 7,6 tỷ USD); Tập đoàn Bridgestone với tổng vốn 1,224 tỷ USD; Công ty Pegatron với tổng vốn 900 triệu USD; suất đầu tư trung bình trong KCN đạt 12 triệu USD/ha, bằng 2,6 lần bình quân cả nước (khoảng 4,61 triệu USD/ha); đạt 56 triệu USD/dự án, bằng 2,8 lần bình quân cả nước (khoảng 20 triệu USD/ha).

Các dự án nói trên đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 683.715 tỷ đồng, chiếm 82% tỷ trọng thành phố và vào nhóm đầu của cả nước về tốc độ tăng trưởng. Hải Phòng đã và đang phấn đấu trở thành thành phố phát triển ngang tầm khu vực châu Á.

Hải Hà