Chiều 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận đề án bổ sung về phát triển kinh tế xã hội năm 2025.

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 đạt 8% trở lên. 

Mức này cao hơn mục tiêu Quốc hội quyết nghị tại kỳ họp cuối năm ngoái khoảng 1-1,5 điểm phần trăm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%. Như vậy, quy mô GDP 2025 khoảng 500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.000 USD.

Với kịch bản GDP trên 8% năm nay, các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024. Công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.

 

Theo tính toán của Chính phủ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, tương đương 33,5% GDP. Trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD, tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 (790.700 tỷ đồng). Đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI 28 tỷ USD và đầu tư khác là 14 tỷ USD.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (theo giá hiện hành) năm nay tăng 12% trở lên.

Để đạt mục tiêu chung, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm nay tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, TP HCM và các địa phương tiềm năng, cực tăng trưởng cả nước.

Bội chi ngân sách tới cuối 2024 ước khoảng 3,4% GDP. Trường hợp cần thiết, Chính phủ đề nghị cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo (khoảng 5% GDP).

Nhiều giải pháp được Chính phủ đưa ra để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay, như hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo...

Thu Thuỷ