Văn phòng Chính phủ ngày 8/4 thông báo kết luận của thường trực Chính phủ về quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Thường trực Chính phủ cho rằng cần nghiên cứu mở rộng, phát triển, tổ chức giao thông phù hợp, có tính đột phá nhằm giải quyết tắc nghẽn trong khu vực; đẩy mạnh quy hoạch đường sắt và tàu điện ngầm tại Thủ đô Hà Nội; phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua vùng đồng bằng sông Hồng.

"Ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội kết nối với Trung Quốc", thông báo nêu.

Bên cạnh đó, các cơ quan cần rà soát tuyến đường hành lang công nghiệp, bảo đảm kết nối giao thông, giảm thiểu chi phí logistic để phát triển công nghiệp. Vị trí hợp lý sân bay thứ 2 - sân bay quốc tế trung chuyển lớn của vùng đồng bằng sông Hồng phải được nghiên cứu ở khu vực phù hợp, dự phòng cho sân bay Quốc tế Nội Bài.

Việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn kết nối với Trung Quốc đã nhiều lần được đề xuất. Đại biểu quốc hội Trần Văn Tuấn (Phó đoàn Bắc Giang) cho rằng đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn cần sớm đầu tư vì chi phí không quá lớn, khả thi. Tuyến này khi hoàn thành có thể vận hành được ngay do Trung Quốc đã có hệ thống đường sắt hiện đại, đồng bộ, kết nối với nhiều nước.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng hơn một lần chỉ đạo phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/h. Đầu tư đường sắt tốc độ cao liên quan đến lợi ích quốc gia nên "không thể chậm trễ mà cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện".

Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và khởi công trước năm 2030. Các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trước năm 2045.

     
Ảnh minh họa 

Ngoài định hướng phát triển giao thông, Thường trực Chính phủ cũng thống nhất quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cần phát triển không gian đô thị hợp lý, quy hoạch đô thị hướng tới không gian xanh, thông minh, hiện đại, gắn kết với giao thông công cộng; rà soát phương án phân chia tiểu vùng để phát huy được lợi thế, bảo đảm mục tiêu gắn kết, tương hỗ.

Bên cạnh đó, quy hoạch vùng phải khôi phục và làm "sống" các dòng sông, gắn kết văn hóa lưu vực các dòng sông trong khu vực; phát triển giao thông thủy nội địa trong vùng và liên kết vùng, phát huy các lợi thế của du lịch dọc theo các tuyến đường thủy....

Vùng đồng bằng sông Hồng được Thường trực Chính phủ xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt với "hạt nhân" là Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, công nghệ hàng đầu.

Đây cũng là vùng có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước. Vì vậy, quy hoạch vùng phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, ổn định.

Thường Châu