Chiều ngày 10/1, nhân dịp sang Ấn Độ tham dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Gujarat lần thứ 10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ.

Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Liên đoàn các phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) Shailesh K. Pathak, Bộ trưởng Nội vụ và Công nghiệp bang Gujarat cùng đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cảm ơn FICCI, chính quyền bang Gujarat và các đối tác đã phối hợp tổ chức Diễn đàn quan trọng này, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội. Quy mô GDP đã tăng hơn 100 lần, lên khoảng 430 tỷ USD năm 2023. Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm; có quan hệ thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia 16 hiệp định thương mại tự do với 60 quốc gia, các đối tác lớn thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại hàng đầu thế giới.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng các đại biểu dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ - Ảnh: VGP/Hải Minh

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới rất khó khăn, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 5,05%, cao hơn mức bình quân của thế giới (2,9%) và ASEAN (khoảng 4,3%).

Thời gian qua, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ có những tiến triển quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó cộng đồng doanh nghiệp hai nước phát huy vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. 

Hai bên đang hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại lên 20 tỷ USD. 

Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ và bang Gujarat đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. 

Một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đã có mặt ở Ấn Độ. Giao thương, du lịch không ngừng được thúc đẩy, trong đó có việc mở đường bay thẳng giữa hai nước.

Tuy nhiên, quan hệ kinh tế hai nước chưa ngang tầm với quan hệ chính trị rất tốt đẹp, với tiềm năng, thế mạnh và chưa đáp ứng được kỳ vọng của hai bên. 

Kim ngạch thương mại hai chiều còn khiêm tốn so với quy mô của cả hai nền kinh tế; chưa có những dự án đầu tư lớn của các doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam và ngược lại.

Phó Thủ tướng cho rằng còn nhiều tiềm năng, dư địa để đưa hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển đột phá trong thời gian giới, đặc biệt trong các xu thế, lĩnh vực phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, công nghiệp phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Việt Nam luôn đặt ưu tiên cao trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện với Ấn Độ, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, theo hướng ngày càng thực chất và hiệu quả hơn; sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động lâu dài, thành công ở Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan, đối tác Ấn Độ hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Ấn Độ đạt hiệu quả cao, ổn định, bền vững.

Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn sẽ trao đổi thẳng thắn về cơ hội, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức, rào cản đối với hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước nói chung và hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng, từ đó đề xuất các sáng kiến, giải pháp khả thi để tháo gỡ khó khăn, tận dụng tốt thời cơ, khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác, nhằm đưa quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, xứng tầm "đối tác chiến lược toàn diện".

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phía Việt Nam tổng hợp đầy đủ, kỹ lưỡng các ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp Ấn Độ để phản hồi, giải đáp ngay tại Diễn đàn hoặc trao đổi, xử lý kịp thời sau Diễn đàn.

Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với nỗ lực chung của hai bên, trong đó có việc phát huy hiệu quả vai trò tiên phong, nòng cốt của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, hợp tác kinh tế Việt Nam-Ấn Độ nói riêng và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ nói chung sẽ ngày càng "đơm hoa kết trái", đóng góp cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng của hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

 

Thành Nam