LTS: Quý bạn đọc đang theo dõi bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thắng Cảnh, Ủy viên Hội đồng tư vấn đối ngoại và kiều bào, Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam. Tại bài viết này, ông nêu lên các mốc son đặc biệt trong mối quan hệ Việt Nam - Tòa thánh Vatican từ quá khứ tới hiện tại. Đi kèm với đó là tinh thần hướng tới tương lai hòa hợp, hợp tác hữu nghị "kính Chúa yêu nước", triết lý tốt đời đẹp đạo. Tạp chí điện tử Việt - Mỹ trân trọng giới thiệu.
Đối với Giáo hội Việt Nam, chỉ năm ngày sau khi Sài Gòn giải phóng, Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã có Thư chung ngày 5 tháng 5 năm 1975 gửi linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân, trong thư có viết: "Hơn mọi lúc, giờ đây người Công giáo phải hòa mình vào nhịp sống của toàn dân, đi sâu vào lòng dân tộc...
Điều quan trọng là biết hướng về tương lai, cùng với mọi anh em đồng bào dưới sự hướng dẫn của Chính phủ Cách mạng lâm thời xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, một xã hội mới tiến bộ, công bình, giàu tình thương".
 |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh thăm Việt Nam.
(Ảnh: dangcongsan.vn)
|
Tinh thần giáo dân hòa nhập vào dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam được thể hiện mạnh nhất trong Thư chung năm 1980.
Đây là một văn bản có tính định hướng rõ rệt của Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong đó thể hiện và định hướng rõ ràng đường hướng: Gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, với phương châm "Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào".
Đối với Công giáo La Mã, tháng 7/1989, Hồng y Roger Etchegaray đã dẫn đầu đoàn đại diện Vatican thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, đặt cột mốc đầu tiên trong quan hệ ngoại giao giữa hai bên.
Từ năm 1990 đến 2009, hai bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc cấp cao để tăng cường đối thoại, hiểu biết lẫn nhau.
Tháng 11/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Giáo hoàng Benedict XVI tại Tòa thánh Vatican nhân chuyến thăm Italy.
Ngày 11/12/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp tục có cuộc gặp với Giáo hoàng Benedict XVI tại Tòa thánh Vatican.
Cũng trong năm này, Việt Nam - Vatican quyết định thành lập các "Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican" để thảo luận vấn đề về quan hệ ngoại giao.
Chính phủ Việt Nam và Vatican đã có thoả thuận 3 điểm: (i) Không công kích nói xấu lẫn nhau; (ii) không ủng hộ một nhóm thứ ba nào để chống bên kia; (iii) khi Vatican muốn bổ nhiệm từ giám mục, giám quản trở lên phải có ý kiến của Chính phủ Việt Nam đồng ý thì mới ra quyết định.
Tháng 1/2011, Tòa thánh chính thức bổ nhiệm ông Leopoldo Girelli làm Đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam.
Năm 2013, Giáo hoàng Benedict XVI tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Vatican.
Đây là lần đầu tiên Giáo hoàng tiếp đón người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam theo nghi thức nguyên thủ quốc gia.
Điều đó cho thấy sự nhìn nhận lại về chủ nghĩa cộng sản của Giáo hội La Mã nói chung, và sự ghi nhận của Vatican đối với Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng.
Có thế nói, những tín hiệu phát đi từ các thông điệp của Giáo hội Công giáo La Mã cũng như Giáo hội Công giáo Việt Nam đều tương đối tích cực.
Tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vatican có nhiều triển vọng tốt đẹp.
Ngày 20 tháng 10 năm 2018, Vatican và Việt Nam đã nhất trí nâng quan hệ ngoại giao lên mức "Đại diện Thường trú" sau cuộc hội kiến giữa Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình với Giáo hoàng Franciscuscus.
Đây chính là tiền để 5 năm sau, vào ngày 27/7/2023, trong chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Tòa thánh Vatican, Việt Nam và Tòa thánh đã chính thức kí kết "Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam", mở ra một bước ngoặt lớn trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican, hướng đến việc thiết lập lại chế độ thường trú của Đại diện Thường trú (Khâm sứ) của Tòa Thánh tại Việt Nam, lần đầu tiên kể từ năm 1975.
Trước sự kiện nói trên, Giáo hoàng Franciscuscus đã đưa ra bức thư chung mới nhất gửi công đoàn Công giáo Việt Nam vào ngày 8/9/2023.
Nội dung thư trước hết công nhận mối quan hệ giữa Tòa thánh Vatican với chính danh Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Giáo hoàng bày tỏ rằng cuộc gặp với vị lãnh đạo Nhà nước cao nhất của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình tăng cường mối quan hệ giữa hai bên, đồng thời bày tỏ rằng Việt Nam và Vatican có thể cùng nhau tiến tới và sẽ còn tiến hơn nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt về lịch sự và kinh nghiệm sống.
Thông qua việc đồng hành, lắng nghe và thấu hiểu nhau, Giáo hoàng tin tưởng rằng hai bên sẽ tìm ra được con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh.
Bên cạnh việc đánh giá cao những cuộc trao đổi, hợp tác và ghi nhận sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với Công giáo, Giáo hoàng cũng khuyên các tín hữu Công giáo "đem tinh thần Phúc Âm vào các thực tại trần thế, thể hiện căn tính của mình là người Kito hữu tốt và là công dân tốt", "tham gia đóng góp cho thiện ích chung trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên đất nước mình".
Đặc biệt, Giáo hoàng nhắc lại lời răn của Đức Thánh Cha Benedicto XVI năm 2009 đối với các Giám mục Việt Nam như một thông điệp dành cho toàn thể tín đồ Công giáo Việt Nam: "Hội Thánh kêu gọi các tín hữu hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội chính trực, liên đới và công bằng.
Hội Thánh tuyệt đối không có ý định thay thế các vị lãnh đạo chính quyền, nhưng chỉ ước mong có thể tham gia một cách chính đáng vào đời sống của đất nước, để phục vụ dân tộc, trong tinh thần đối thoại và cộng tác với sự tôn trọng.
Giáo hoàng xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn cho các tín đồ Công giáo Việt Nam trong cuộc sống và trong các tương quan với chính quyền dân sự, với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, văn hóa; xin Chúa Cha ban ân sủng cho toàn thể Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam cũng như cho đất nước và dân tộc Việt Nam yêu dấu và Giáo hoàng mong rằng giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican xây dựng mối quan hệ đại đoàn kết dân tộc, lương giáo một lòng, “kính Chúa yêu nước” nhằm góp phần xây đắp thêm mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican ngày càng tốt đẹp trong giai đoạn hiện nay và mãi về sau./
TS. Nguyễn Thắng Cảnh