Người dân chờ đợi bên ngoài Nhà tang lễ quốc gia để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Hà Nội, ngày 25-7. Ảnh: Reuters 

Tờ Reuters tường thuật: Hôm thứ Năm, Việt Nam đã bắt đầu lễ Quốc tang kéo dài hai ngày để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lễ viếng có nhiều đoàn ngoại giao và lãnh đạo ở các nước, gồm người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo, cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines...

Reuters thông tin thêm, nhiều nhà lãnh đạo khác, như Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến cũng sẽ có mặt tại Hà Nội để tiễn biệt nhà lãnh đạo đáng kính của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Minh Thu, 68 tuổi, một người dân Hà Nội, xếp hàng trước nhà tang lễ để viếng Tổng Bí thư đã trả lời phỏng vấn Reuters: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nhân dân và đất nước, tôi cảm ơn ông vì điều đó và muốn gửi lời tiễn biệt đến ông". Cuba và Lào, những người bạn của Việt Nam, cũng đã tổ chức quốc tang nhà lãnh đạo Việt Nam.

Theo đánh giá của Reuters, dưới nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 5,79%, một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á. Năm 2017, ông đã phát động chiến dịch chống tham nhũng, được gọi là " đốt lò", theo đó hàng trăm quan chức cấp cao đã bị điều tra về tội tham nhũng và nhiều người buộc phải từ chức. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thúc đẩy quan hệ với các cường quốc, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, như một phần của chính sách "ngoại giao cây tre", trong bối cảnh các tranh chấp toàn cầu đang gia tăng và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tương tự, tờ The Objective (Tây Ban Nha) viết: “Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, nhờ tầm nhìn chiến lược của ông, Việt Nam và Mỹ đã trở thành “đối tác chiến lược toàn diện”, mức độ quan hệ đối tác song phương cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam vào năm 2023”. Tổng thống Mỹ nhận định: “Nhờ ông ấy, người dân Việt Nam và Mỹ cũng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được hưởng lợi an ninh và cơ hội lớn hơn từ tình hữu nghị giữa hai nước”.

Về chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, hãng tin AFP của Pháp dẫn lời chuyên gia cho rằng, chiến dịch đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế, điều có thể thấy rõ ở tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. GDP năm 2023 của Việt Nam tăng trưởng khoảng 5%.

"Việt Nam cũng đã trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của một số doanh nghiệp quan trọng nhất thế giới trong thập niên qua", AFP nhận định. Về đối ngoại, theo AFP, trong nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã tăng cường quan hệ với các nước, trong đó có một số nước lớn.

Báo Al Jazeera (của Arab) cũng nêu bật dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chống tham nhũng, coi tham nhũng là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với uy tín của Đảng. Ngoài ra, bài báo cũng đề cập đến đường lối "ngoại giao cây tre" của Tổng Bí thư, gọi đây là đường lối mềm dẻo, linh hoạt trước những “cơn gió ngược” trong môi trường địa chính trị thay đổi nhanh chóng.

Đưa tin về lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tờ TIME (Mỹ) điểm lại những di sản quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, như việc đưa đất nước trở thành một trong những “thế lực” về sản xuất trên toàn cầu, và chiến dịch chống tham nhũng hết sức quyết liệt.

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cho biết, Thủ tướng nước này Han Duck-soo đã bày tỏ lòng kính trọng trước linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và gửi lời chia buồn tới các thành viên gia đình nhà lãnh đạo của Việt Nam trong buổi lễ trang trọng sáng 25-7, tại Hà Nội.

Về phần mình, Prensa Latina - trên trang nhất của ấn phẩm điện tử - đã đưa tin trang trọng về lễ tang chính tại Hà Nội và các hoạt động có liên quan, trong đó nêu rõ: Buổi lễ thu hút hàng triệu người dân trên khắp lãnh thổ Việt Nam tới tôn vinh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc và nhân dân.

Thông tấn xã Lào (KPL) đã có bài viết, khẳng định việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh đã mang đến những kết quả rõ rệt trong sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam. Trích dẫn phát ngôn của Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, kênh truyền thông này cũng nêu bật những “đóng góp vô giá của đồng chí Nguyễn Phú Trọng” trong việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước Lào và Việt Nam.

Tờ Khmer Times (Campuchia), trong bản tin về tang lễ sáng 25-7, nhận định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận được sự quý trọng của người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế nhờ những cam kết kiên định đối với sự phát triển của đất nước và vai trò to lớn trong các nỗ lực tăng cường quan hệ quốc tế.

Khmer Times cũng cho biết, tham dự trực tiếp lễ tang tại Hà Nội, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã bày tỏ đau buồn sâu sắc về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời nêu bật những tác động sâu sắc của Tổng Bí thư đối với Việt Nam và khu vực.

"Sự ra đi của ông là một mất mát to lớn không chỉ đối với nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà còn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam. Những thành tựu vĩ đại và những việc làm cao cả của ông sẽ mãi mãi được ghi nhớ trong trái tim của tất cả người dân Việt Nam" - Khmer Times trích lời Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen.

Theo Báo Hà Nội Mới